Đắk Nông: Cần ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng tại xã Quảng Sơn
Đắk Nông: Cần ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng tại xã Quảng Sơn
Huyện Đắk G’Long hiện vẫn là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Đắk Nông, nhiều vạt rừng đang tiếp tục bị tàn phá, lấn chiếm để lấy đất sản xuất.
Thực trạng này, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng như huyện Đắk G’long cần khẩn trương có biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Sau khi ghi nhận tình trạng phá rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã chuyển thông tin đến cơ quan chức năng huyện Đắk G’long và tỉnh Đắk Nông để kiểm tra, xử lý. Ngày 21/10, Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’long đã có Báo cáo số 362/BC-HLM về việc, xác minh theo thông tin báo chí phản ánh.
Cụ thể: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông và UBND huyện Đắk Glong. Ngày 20/10/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong phối hợp cùng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR – Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông và Công ty TNHH MTV Đắk N’tao kiểm tra, xác minh theo thông tin báo chí phản ánh. Qua tiến hành kiểm tra, xác định được 02 vị trí phá rừng trái pháp luật phù hợp với hình ảnh báo chí cung cấp, cụ thể:
-Vị trí 01: Tọa độ 424719-1346476, diện tích rừng bị phá 1.651 m2 (một nghìn sáu trăm năm mươi mốt mét vuông); trạng thái rừng: Thường xanh nghèo (TXN); loại rừng: Sản xuất; mức độ thiệt hại: 100%; thuộc lô 25 khoảnh 2 và lô 3a30a khoảnh 3 Tiểu khu 1658 lâm phần do UBND xã Quảng Sơn quản lý (địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Qua đối chiếu hồ sơ vi phạm lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm huyện, vị trí rừng bị phá nêu trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 171/BB-VPHC ngày 05/8/2022, đã ban hành Quyết định khắc phục hậu quả số 141/QĐ-KPHQ ngày 05/9/2022 (không xác định được đối tượng vi phạm).
– Vị trí 02: Tọa độ 424181-1344340 (là vị trí báo chí phản ánh sau lưng Chốt liên ngành QLBVR của huyện), diện tích rừng bị phá: 675 m2 (sáu trăm bảy mươi lăm mét vuông; trạng thái rừng: Thường xanh nghèo (TXN); loại rừng: Sản xuất; mức độ thiệt hại: 100%; thuộc lô 3b31adaa khoảnh 1 Tiểu khu 1674 và lô 8a53aa khoảnh 7 Tiểu khu 1668 lâm phần do Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao quản lý (thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Qua đối chiếu hồ sơ vi phạm lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm huyện, vị trí rừng bị phá nêu trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 190/BB-VPHC ngày 12/9/2022, đã ban hành Quyết định khắc phục hậu quả số 155/QĐ-KPHQ ngày 11/10/2022 (không xác định được đối tượng vi phạm).
Đoàn kiểm tra mở rộng hiện trường phát hiện một số vị trí phá rừng trái pháp luật, nhưng qua kiểm tra, đối chiếu hồ sơ vi phạm lưu trữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long thì các vị trí này Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong đã lập hồ sơ xử lý theo quy định. (kèm Biên bản kiểm tra ngày 20/10/2022).
Về nội dung thông tin báo chí phản ánh rừng bị phá sau lưng Chốt liên ngành Quản lý bảo vệ rừng của huyện: Tại vị trí nêu trên, trước đây do Tổ liên ngành được thành lập theo Quyết định số 3337/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND huyện Đắk Glong. Chốt liên ngành có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng tại các lâm phần do các chủ rừng quản lý gồm: Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, Công ty CP Thiên Sơn và Cộng đồng Bon Nting.
Sau một thời gian hoạt động, tình hình vi phạm về Lâm nghiệp tại khu vực nêu trên đã tạm ổn; đến tháng 7/2021, UBND huyện Đắk G’long đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của Chốt liên ngành nêu trên để cắt cử lực lượng tăng cường cho các khu vực khác hiện là điểm nóng trên địa bàn huyện. Hiện khu vực đặt Chốt QLBVR nêu trên do Công ty TNHH MTV Đắk N’tao quản lý và cắt cử lực lượng để quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần do công ty quản lý.
Như vậy, nội dung mà phóng viên báo chí cung cấp hình ảnh phản ánh tình hình phá rừng tại khu vực xung quanh Chốt QLBVR của Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, thuộc địa giới hành chính huyện Đắk G’long (Chốt liên ngành theo Quyết định số 3337/QĐ-UBND huyện củ, đã chấm dứt hoạt động vào tháng 7/2021) là có thật. Tuy nhiên, tất cả các vị trí xảy ra phá rừng nêu trên đã được các cơ quan chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật và báo cáo đầy đủ trong các báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương theo hàng tuần, tháng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị