Franconomics 2022: Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển
(Xây dựng) – Ngày 21/10, Viện Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”, với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Pháp tại Hà Nội (IFV), Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD-Pháp) và Đại học Senghor (Ai Cập). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Franconomics 2022.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển” chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu khai mạc là ông Edmond Dounias, Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp tại Việt Nam và Philippines, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI. Tại Hội thảo, ông Edmond nhấn mạnh các giải pháp của Hội thảo này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên liên quan.
Phát biểu trong phần khai mạc, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI cho biết: Hội thảo tập trung chia sẻ các vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Hội thảo quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu và quản lý trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu làm rõ tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với ngành sản xuất lương thực hiện nay tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung.
Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận chuyên sâu về chủ đề “Biến đổi khí hậu” và “An ninh lương thực” với sự tham gia của các diễn giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tiếp nối phần khai mạc, phiên đầu tiên với chủ đề về “Biến đổi khí hậu” do ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Hà Nội (AFD) làm chủ tọa với sự tham gia diễn thuyết, thảo luận của các diễn giả: ông Emmanuel Pannier, đại diện ban dự án GEMMES; ông Julien Chevillard, Trưởng bộ phận Cố vấn kỹ thuật tại Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Campuchia; ông Serge Janicot, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD); bà Marième Ngom, thành viên Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Nước và Môi trường tại Pháp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”. |
Chuyên đề 2 với chủ đề “An ninh lương thực” do ông Edmond Dounias, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) chủ tọa thực sự thu hút với những tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực tế về tình hình an ninh lương thực tại các quốc gia khác nhau của các diễn giả: bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam; bà Anne Brunnel đại diện từ Nền tảng toàn cầu về hệ thống lương thực cho người bản địa, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Ý; ông Eric Verger, Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD); bà Marie Walser, Chuyên gia về mất an ninh lương thực, chương trình lương thực thế giới của UNESCO, Montpellier, Pháp.
Franconomics nằm trong chuỗi Hội thảo DAAS (Diderot Advanced Academics Seminars) được Viện Quốc tế Pháp ngữ khởi xướng và tổ chức thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ. Đây là không gian đối thoại đa ngành về lý luận và thực tiễn trong các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội dành cho các nhà khoa học, doanh nhân, các trường đại học, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt với sự tham gia của các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ (88 quốc gia thành viên và quan sát viên), với mục tiêu kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua các hội nghị, diễn đàn thường niên bàn về các chủ đề kinh tế, xã hội nổi bật mà Việt Nam và thế giới quan tâm. Franconomics lần thứ I năm 2019 với chủ đề “Công nghệ số cho sự phát triển kinh tế – xã hội thông minh”, Franconomics lần thứ II “Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh” và Franconomics lần thứ III năm 2021 về “Những thách thức của chuyển đối số với việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu trong thời đại Covid-19” đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của hơn 1.300 đại biểu đến từ hơn 25 quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng