Đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đội vốn đầu tư tới 82%
Đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đội vốn đầu tư tới 82%
Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo xin được điều chỉnh tiến độ hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư 82% so với phê duyệt ban đầu.
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Đáng chú ý, dự án này xin được điều chỉnh tiến độ hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư lên 82% so với phê duyệt ban đầu.
Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13.11.2008. Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến 11,5km, trong đó 8,5km đường đi ngầm, 3km đi cao. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỉ đồng; vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội là 3.079 tỉ đồng.
Trong tờ trình, MRB kiến nghị điều chỉnh một số nội chung chính, bao gồm:
Điều chỉnh đoạn tuyến đi ngầm thành 8,9km và đoạn tuyến trên cao thành 2,6km. Chiều dài phần đi ngầm và đi cao thay đổi so với Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008 do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án được điều chỉnh là 92,04ha thay vì 49,06ha theo quyết định ban đầu. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án tăng lên do xác định lại hành lang bảo vệ tuyến cho đoạn đi cao và ranh giới tuyến đoạn đi ngầm trên cơ sở quy hoạch Tổng mặt bằng tuyến và ga đã được UBND thành phố phê duyệt. Cụ thể: diện tích đất xây dựng công trình là 34,06ha; diện tích đất bảo vệ công trình, hành lang an toàn để bảo đảm an toàn trong thi công và công tác quản lý trong quá trình khai thác vận hành là 57,98ha.
Tổng mức đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh là 35.679 tỉ đồng, tăng 16.124 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu (tăng 82%).
Nguyên nhân tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh tăng 16.124 tỉ đồng (khoảng 82%) so với tổng mức đầu tư đã được duyệt là do: Thay đổi về quy mô đầu tư, làm tổng mức đầu tư tăng 3.807 tỉ đồng (khoảng 19%); thay đổi tỉ giá quy đổi, làm tổng mức đầu tư tăng 11 tỉ đồng (khoảng 0,1%); các nguyên nhân về giá làm tổng mức đầu tư tăng 5.769 tỉ đồng (khoảng 29,5%); thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư tăng 6.536 tỉ đồng (khoảng 33,2%).
Ngoài ra, MRB cũng kiến nghị thời gian hoàn thành dự án trong giai đoạn 2009-2034 (dự kiến thời gian bảo dưỡng khoảng 5 năm). Giải thích lý do điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, MRB cho biết, hợp đồng dịch vụ tư vấn chung cho dự án đã được ký vào tháng 3-2011, theo đúng tiến độ triển khai được phê duyệt.
Tuy nhiên, do quá trình xem xét, thẩm tra, thẩm định điều chỉnh dự án kéo dài từ năm 2012 đến nay chưa kết thúc nên chưa triển khai các gói thầu thi công xây lắp và thiết bị của dự án. Vì vậy, cần phải điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện của dự án cho phù hợp với thực tế.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) đang rà soát, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt này.
Cùng với điều chỉnh lùi tiến độ và tổng mức đầu tư, Hà Nội cũng dự kiến điều chỉnh vị trí ga ngầm C9 (dự kiến ban đầu đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm) và tổng mặt bằng ga này, với phương án đưa ra khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm theo Luật Di sản Văn hóa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị