Xây dựng và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo: Bài học kinh nghiệm và gợi suy

Vai trò của trung tâm ĐMST

Khái niệm về trung tâm ĐMST trên thế giới hiện nay chưa được thống nhất trên toàn thế giới. Một số chuyên gia cho rằng, trung tâm ĐMST là nơi cung cấp một địa điểm mà các đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN), các công ty công nghệ mới của địa phương phát triển và mở rộng hoạt động của mình [1]. Một số quan điểm khác cho rằng, trung tâm ĐMST là nơi được thiết kế chủ yếu cho các cơ sở R&D, các công ty công nghệ cao với các dịch vụ hỗ trợ tốt; là một địa điểm các công ty khởi nghiệp, doanh nhân, công ty công nghệ, nhà đầu tư, các cơ quan chính phủ… cùng tồn tại trong hệ sinh thái kết nối [2]. Chúng tôi cho rằng, trung tâm ĐMST là mô hình tổ chức sáng tạo đặc thù nhằm mục đích nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối, cung cấp các dịch vụ ĐMST hiệu quả và hỗ trợ nghiên cứu phát triển phục vụ cho hệ sinh thái ĐMST.

Nhiều quốc gia đã thiết lập mạng lưới các trung tâm ĐMST để kết nối các trung tâm ĐMST khác nhau, trong đó mỗi trung tâm ĐMST có các điều kiện và hạ tầng riêng góp phần vào việc xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và đạt được những thành tựu đột phá. Một trong những lợi ích của mô hình này là các doanh nghiệp nằm trong cùng một khu vực và có cơ hội thuận lợi để cùng hưởng các lợi ích nhờ cơ chế chia sẻ và các mô hình tương hỗ. Yếu tố đầu vào mà các doanh nghiệp có nhu cầu ĐMST đều cần là hạ tầng công nghệ, các dịch vụ tài chính kế toán và pháp luật, các dịch vụ hỗ trợ triển khai công nghệ mới, hậu cần và nhân tài. Do đó, các doanh nghiệp nằm trên cùng một khu vực địa lý có thể chia sẻ tốt hơn với nhau nhiều chi phí cố định liên quan đến các nguồn lực này… Chính vì vậy, nhiều nước đã thiết lập các trung tâm ĐMST nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp – những đơn vị trực tiếp dẫn dắt quá trình xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển nền kinh tế chia sẻ và số hoá năng lực của lực lượng lao động, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu đào tạo với doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái ĐMST. Thông thường nói đến hệ sinh thái ĐMST sẽ nói đến các nhóm thành phần chủ chốt bao gồm: cơ quan quản lý; tổ chức đào tạo, nghiên cứu phát triển; tổ chức dịch vụ, tổ chức doanh nghiệp; nhà đầu tư, hiệp hội và các loại hình tổ chức khác.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để xây dựng hệ sinh thái ĐMST hiệu quả thì việc tập trung xung quanh một cơ sở hỗ trợ ĐMST (thường gọi là trung tâm ĐMST) đã và đang chứng tỏ là công cụ thực hiện yêu cầu nói trên. Vì vậy, các trung tâm ĐMST xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều trên thế giới

Một số mô hình trung tâm ĐMST điển hình trên thế giới

Hàn Quốc

Kể từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 Trung tâm Xúc tiến ý tưởng sáng tạo kinh tế khu vực (CCEI) với 18 văn phòng ở các địa phương, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 [5]. Các trung tâm này giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối với các tập đoàn trong và ngoài địa phương.

Vai trò và vị trí của các CCEI theo mô hình của Hàn Quốc (nguồn: www. policy.creativekorea.or.k).

 

 

Mô hình CCEI tập trung hỗ trợ phát triển một lĩnh vực cụ thể bằng cách kết nối chính quyền địa phương với một doanh nghiệp lớn thường là doanh nghiệp dẫn đầu về một lĩnh vực nhất định ở địa phương. Mỗi tập đoàn lớn (Lotte, LG, Hyundai Motor, Samsung, SK…) đều được đề nghị tham gia vào 1 trong 17 trung tâm này và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Mô hình này trao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp vừa và nhỏ cơ hội tiếp cận vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, hoạt động marketing, hoạt động mua – bán và sáp nhập trên cơ sở tận dụng lợi thế của các tập đoàn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được đội ngũ chuyên gia tài chính, pháp luật, sáng chế… của CCEI cung cấp các dịch vụ tư vấn và đáp ứng các dịch vụ toàn diện khác như cho thuê văn phòng, giới thiệu đầu tư và hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Mỗi CCEI điều hành một hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương/trung ương và các tập đoàn lớn. Mỗi trung tâm là một đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, được lựa chọn từ các tổ chức trực thuộc hoặc hợp tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, trường đại học, viện nghiên cứu… trên cơ sở tham vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học, Thông tin truyền thông và Kế hoạch tương lai của Hàn Quốc; cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp lớn; thị trưởng thành phố hoặc thống đốc.

Nhờ sự hỗ trợ của CCEI, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Hàn Quốc không chỉ hoạt động thành công trong nước mà còn mở rộng ra toàn thế giới. Gần đây, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của Hàn Quốc tham gia hợp tác với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp và nhà đầu tư thông qua mạng lưới doanh nghiệp lớn toàn cầu – những đơn vị thành viên của trung tâm CCEI tăng cao. Tính đến nay, Hàn Quốc có hơn 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia vào mạng lưới này.

Về tài chính, dưới sự hỗ trợ của nhà nước và tài trợ của khu vực tư nhân, các CCEI có khoảng 1,8 tỷ USD mỗi năm để hoạt động dưới hình thức đầu tư, bảo lãnh và cho vay. Nhờ có khoản vốn mồi này mà mỗi năm đã có thêm hàng chục tỷ USD đầu tư vào hoạt động ĐMST của các doanh nghiệp. Hoạt động dựa trên vốn kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu, cơ chế đầu tư và hợp tác đơn giản, các CCEI hoạt động hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại; cũng như trong mọi hoạt động kinh doanh, từ thiết kế đến xuất khẩu sản phẩm.

Có thể thấy đối với Hàn Quốc, các trung tâm ĐMST đóng vai trò trung gian kết nối các hoạt động liên quan đến ĐMST. Các trung tâm này hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận dưới dự bảo trợ của chính phủ hoặc thông qua tài trợ từ các tập đoàn tư nhân lớn. Ngoài ra, các trung tâm này được tổ chức một cách khoa học từ trung ương đến địa phương nhằm thống nhất một định hướng chung.  

Trung Quốc

Trung Quốc tập trung phát triển mạng lưới các trung tâm ĐMST gồm: trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, các trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng ĐMST.

Với trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Chính phủ Trung Quốc coi công tác phát triển hoạt động ĐMST là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động ĐMST khởi nghiệp kinh doanh rộng khắp. Trong kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thiết lập mạng lưới các trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia dựa trên 10 lĩnh vực được xác định là cốt lõi trong quá trình phát triển [6].

Các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong chiến lược “Made in China 2025” (nguồn: Made in China 2025).

 

 

Mỗi trung tâm này sẽ tập trung vào một ngành hoặc một lĩnh vực, đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển đa ngành, đa lĩnh vực giữa các công ty, đơn vị học thuật và chính quyền, ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – những công nghệ có khả năng đảm bảo duy trì vị trí quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Mạng lưới này giúp cải thiện năng lực và hiệu quả ĐMST của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra những đột phá nhảy vọt, ươm mầm nhân tài lãnh đạo toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh. Các trung tâm cấp quốc gia và trung tâm cấp tỉnh đã thiết lập nên hệ thống ĐMST xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh. Đồng thời, Trung Quốc thành lập các khu trình diễn sáng kiến ĐMST để thu thập kinh nghiệm nhằm phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc xác định các lĩnh vực tập trung cốt lõi gắn liền với trung tâm ĐMST giúp huy động được nguồn lực để phát triển, từ đó cải thiện hiệu quả chính sách ĐMST và nâng cao năng lực ĐMST của Trung Quốc.

Tình hình phát triển các trung tâm ĐMST tại Việt Nam

Khoa học, công nghệ và ĐMST không chỉ là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn để phát triển) [7]. Đặc biệt, ngày 2/10/2019 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC)[8] đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên KH&CN. NIC cũng là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam, hướng tới trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu khu vực.

Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược của Đảng và Chính phủ, các địa phương trên cả nước đã, đang và dự kiến sẽ thành lập các trung tâm ĐMST trên cơ sở thành lập mới hoặc sắp xếp lại các đơn vị có sẵn điển hình như:

Tại miền Bắc, một số địa phương đã có kế hoạch thành lập các trung tâm ĐMST như Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng… Mặc dù chưa thành lập nhưng 20 tỉnh còn lại trong khu vực đều có các đơn vị KH&CN công lập có chức năng, nhiệm vụ trong việc phát triển ĐMST. Các đơn vị này chính là các trung tâm ứng dụng KH&CN thuộc sở KH&CN các tỉnh. Tuy có số lượng khá đông đảo nhưng nhìn chung các đơn vị này đều có hoạt động hạn chế do nhiều vướng mắc về quản lý hành chính, tổ chức, sở hữu và chức năng nhiệm vụ cũng như thiếu nguồn lực… Ngoài các đơn vị công lập do tỉnh/thành phố thành lập, cũng có nhiều tổ chức thành lập các trung tâm ĐMST. Các trung tâm này đa phần có trụ sở nằm tại TP Hà Nội như Trung tâm ĐMST Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội – BK Holdings (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội)… Các đơn vị này có nhiều hoạt động đóng góp cho hoạt động ĐMST của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên phần nhiều vẫn dừng lại ở các hoạt động sự kiện, kết nối hoặc các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp là chính. Các hoạt động nhắm tới việc hỗ trợ ĐMST trong doanh nghiệp còn hạn chế.

Tại miền Trung, các tỉnh/thành phố như Bình Định, Đà Nẵng, Gia Lai đã thành lập các đơn vị có tên gọi, chức năng ĐMST. Mặc dù chưa thành lập nhưng 15 tỉnh/thành phố còn lại trong khu vực đều có các đơn vị KH&CN công lập có chức năng, nhiệm vụ trong việc phát triển ĐMST. Nhìn chung các đơn vị này chưa thực sự phát huy hiệu quả do còn nhiều vướng mắc về mặt quản lý hành chính, tổ chức, sở hữu cũng như thiếu nguồn lực… Ngoài các đơn vị trực thuộc tỉnh, các đơn vị trực thuộc các tổ chức công lập, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố cũng thành lập nhiều tổ chức ĐMST. Các trung tâm này đa phần có trụ sở tại TP Đà Nẵng như Onebox – CoPLUS, Flying Fish Investment, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn – Songhan Incubator (SHi), Hermes management, Trung tâm Khởi nghiệp (Ðại học Duy Tân), Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Ðông Á…

Tại miền Nam, các tỉnh/thành phố như Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay Bình Dương… cũng đã thành lập các đơn vị có tên gọi có chức năng ĐMST như Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp (Saigon Innnovation Hub), Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST -IEC (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)… và hàng loạt trung tâm có chức năng ĐMST tại các trường đại học trên địa bàn.

Tóm lại, nắm được xu hướng và tầm quan trọng của trung tâm ĐMST, hiện nay các tỉnh/thành phố trên cả nước đã dần thiết lập và xây dựng các trung tâm ĐMST trên cơ sở thành lập mới hoặc sắp xếp lại các đơn vị, tổ chức KH&CN đã tồn tại kèm theo chức năng hoạt động trong lĩnh vực ĐMST. Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm này phần lớn mới dừng lại ở việc tổ chức các sự kiện, kết nối hoạt động liên quan đến khởi nghiệp mà chưa tập trung đi sâu phân tích, dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực cụ thể.

Một số hàm ý chính sách cho các tỉnh/thành phố

Có thể nhận thấy, việc xây dựng và phát triển các trung tâm ĐMST là bước đi đúng đắn trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia, từ đó góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển dịch mạnh sang các lĩnh vực tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Các trung tâm ĐMST này sẽ là hạt nhân nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế bền vững cho cho các tỉnh/thành phố với vai trò: là đầu mối cung cấp dịch vụ công cho hoạt động phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST trên địa bàn; là hạt nhân thu hút, phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST; là cầu nối, trung gian để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn; là nơi cung cấp thông tin công nghệ, thử nghiệm các công nghệ, sản xuất thử nghiệm và kiểm định chất lượng các sản phẩm cũng như hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ĐMST của doanh nghiệp trên địa bàn…

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai xây dựng trung tâm ĐMST của một số quốc gia trên thế giới và phân tích thực trạng hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam, nhóm tác giả xin đề xuất một số hàm ý chính sách cho trung tâm ĐMST tại các tỉnh/thành phố như sau:

Thứ nhất, về vai trò và mô hình hoạt động: trung tâm ĐMST là mô hình tổ chức sáng tạo đặc thù nhằm mục đích nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối và cung cấp các dịch vụ ĐMST hiệu quả và hỗ trợ R&D phục vụ cho hệ sinh thái ĐMST. Các trung tâm này cần được đặt tại các cơ quan chính quyền có chức năng hoạch định về chiến lược chính sách KH&CN của quốc gia hoặc của địa phương. Trung tâm ĐMST nên do UBND các tỉnh/thành phố thành lập, bảo trợ để kết nối với các trung tâm ĐMST trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Trung tâm ĐMST nên hình thành trên cơ sở tổ chức mềm, hoạt động trên cơ sở tập hợp, điều phối nguồn lực từ các tổ chức hiện có và khai thác các cơ sở hạ tầng sẵn có, tạo tiền đề để phát triển một trung tâm ĐMST hoàn chỉnh với đầy đủ các phân khu, từ nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm chuẩn đến sản xuất và thương mại hóa.

Thứ hai, về chính sách đặc thù: để trung tâm ĐMST thành công thì cần có các cơ chế hỗ trợ đặc thù, đặc biệt là các vấn đề: khai thác tri thức, tài sản trí tuệ, chia sẻ dữ liệu thông tin, ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất; nghiên cứu các công cụ tài chính mới hỗ trợ hoạt động ĐMST nhằm tạo cơ chế thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST tiếp cận thị trường (chính sách mua sắm công, hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu, hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới…); xây dựng cơ chế cho phép chấp nhận việc thử nghiệm chính sách mới; hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, thương mại hóa trong phạm vi, khu vực quản lý của trung tâm ĐMST.

Thứ ba, về lĩnh vực ưu tiên: về nguyên tắc, trung tâm ĐMST sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ với các công nghệ đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không hạn chế theo ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong định hướng hoạt động ưu tiên nên tập trung hỗ trợ phát triển các ngành đang là xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam gồm: các công nghệ liên quan tới thông tin, dữ liệu, internet vạn vật hấp dẫn (IoT), công nghệ tự động hóa – điện tử – cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học – môi trường… Các công nghệ và phân ngành ưu tiên cụ thể sẽ được lựa chọn trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ và tình hình phát triển của thị trường.

Thứ tư, về cơ chế tài chính: nguồn kinh phí hoạt động cho trung tâm ĐMST được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; đóng góp tự nguyện/tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật; khoản thu từ tiền lãi gửi ngân hàng và các khoản thu hợp pháp khác. Khoản chi của các trung tâm ĐMST cần tập trung vào việc tài trợ/hỗ trợ các chương trình/đề án hoạt động theo điều lệ của trung tâm ĐMST và quy định của pháp luật; tài trợ cho các tổ chức, cá nhân theo đúng đối tượng mà trung tâm hướng tới.

Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn thu nhập từ khoản đầu tư; công nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu; thúc đẩy cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp ĐMST… Đặc biệt, với sự ra đời của NIC được xem là bước ngoặt đánh dấu quá trình hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm ĐMST của khu vực và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] www.davisenterprise.com/business/rob-white-what-is-an-innovation-center/].

[2] www.ohio.edu/research/innovation/about#OurWork].

[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.

[4] Văn kiện Đại hội Đảng (2021), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 -2030.

[5] Martin Hemmert (2007), The Korean Innovation System: From Industrial Catch-Up to Technological Leadership?, Innovation and technology in Korea: Challenges of a newly advanced economy, pp.11-32.

[6] Jizhen Li, Quwen Deng, Olav Jull Sorensen (2011), “Building national innovation platform in China: theoretical exploration and empirical study”, Journal of Science and Technology Policy in China2(1), pp.58-78. 

[7] Nguyễn Quốc Đạt, Lê Quang Thái (2020), Xây dựng mô hình hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia –  Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

[8] https://nic.gov.vn/.

Theo Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích