Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại tổ. |
Phát triển kinh tế – xã hội còn những khó khăn
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kinh tế – xã hội do Chính phủ trình, trong đó đánh giá đất nước đã nhanh chóng nắm bắt được thời cơ, đặc biệt là thành công trong chống dịch, phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định cho đất nước. Đảng và Nhà nước đã kiên định lập trường, khôn khéo, mềm dẻo trong chính sách đối ngoại, tạo điều kiện cho tất cả các thắng lợi khác, gìn giữ hoà bình và độc lập dân tộc, giữ gìn chủ quyền.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng trong phát triển kinh tế – xã hội còn những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, cán bộ y tế bỏ nghề nhiều, thiếu thuốc men, sinh phẩm, máy móc thiết bị thiếu hoặc có nhưng không sử dụng được do thiếu vật tư; vướng mắc về bảo hiểm y tế, tự chủ, đấu thầu mua sắm, cấp chứng chỉ,… Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp, từ công tác tổ chức cán bộ, ban hành một loạt quy định để giải toả khó khăn, chính sách động viên cán bộ y tế,… nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, đại biểu mong muốn Đảng và Nhà nước tập trung cao độ để giải quyết dứt điểm, kịp thời những khó khăn, trì trệ của ngành Y tế.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị giải quyết dứt điểm các khó khăn của ngành Y tế. |
Đáng quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, có lẽ chưa có thời kỳ nào có số lượng cán bộ, công chức vi phạm bị kỷ luật nhiều như thời kỳ này, mặc dù họ được đào tạo cơ bản, bồi dưỡng qua nhiều lớp nâng cao nhận thức, củng cố lập trường,… nhưng vẫn bị kỷ luật.
Theo đại biểu, cần có biện pháp đồng bộ hơn, từ đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện, tu dưỡng, đồng thời, đảm bảo thật tốt điều kiện để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó cần chú trọng đến lương và thu nhập; vận dụng sáng tạo trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyển để ngăn chặn từ sớm việc sai phạm. Đồng thời, nhân dân phải cùng tham gia vào phòng, chống tham nhũng, phát hiện sai phạm của cán bộ nhiều hơn, một cách thực chất hơn nữa.
Đề nghị tăng chi đầu tư cho giáo dục
Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhìn nhận, năm 2022, kinh tế xã hội phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, do hậu quả của Covid-19, chiến tranh thương mại, đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân, chúng ta đã vượt qua, và đến nay đã phục hồi sản xuất. Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đã đạt được những kết quả khá toàn diện,
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị tăng chi đầu tư cho giáo dục. |
Khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đại biểu cho biết đã nhận được nhiều ý kiến của người dân về lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn phát triển nông nghiệp, băn khoăn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khi tại các khu vực nông thôn chỉ còn người già, thanh niên không mặn mà với lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ cần sớm có các giải pháp để tháo gỡ tình trạng này, nhất là chính sách đất đai, đồng thời cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội để tạo nên nền nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho biết trong lĩnh vực giáo dục, cử tri đánh giá cao việc đầu tư cho giáo dục thời gian qua, nhưng thực tế chỉ tăng cho khối phổ thông, còn đại học thì rất thấp 0,33% GDP theo WB. Vì vậy, đại biểu đề nghị tăng lên 1% và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu mang tính ứng dụng và chính sách.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khách quan, đúng mực, thẳng thắn, nhận diện rõ bài học trong phát triển kinh tế – xã hội: Tư tưởng ổn định kinh tế vĩ mô là quan điểm chủ đạo, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà tập trung ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đại biểu, việc hỗ trợ bằng giải pháp tài khoá như hỗ trợ giãn, hoãn thuế,… từ đó sẽ hụt giảm thu ngân sách nhưng không gây ra hậu quả lạm phát, qua đó đã kiểm soát lạm phát tốt, kiểm soát được giá cả, đây là thành công lớn trong điều hành của Chính phủ, cần triển khai tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Lê Quân cho rằng, trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, các chỉ số đặt ra trong năm 2023 không nên lạc quan quá, đặc biệt là các chính sách tài khóa, tiền tệ phải điều chỉnh linh hoạt. Theo đại biểu, dự báo cần nhấn mạnh hơn đến các nguy cơ của thế giới sẽ tác động đến tình hình kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền cho tiêu dùng có thể gián đoạn, rồi vấn đề du lịch, dịch vụ thời kỳ hậu Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng, vấn đề nợ xấu, đặc biệt là dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản…
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị đổi mới tư duy về phát triển văn hóa. |
Đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn về phát triển văn hoá
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kinh tế – xã hội, đặc biệt là nội dung về văn hoá, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hoá đối với phát triển đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện, cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn về phát triển văn hoá. “Chúng ta đã có thành công nhờ đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế, giờ đây là lúc chúng ta thực sự rất cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hoá. Ở đó, văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, những vấn đề nhức nhối về văn hoá nhiều khi lại không hoàn toàn từ chính văn hoá, mà bắt nguồn từ chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ hay hội nhập quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về văn hoá, đạo đức xã hội cần giải pháp tổng thể, cần sự chung tay chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương, không chỉ để ngành văn hoá đơn thương, độc mã trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, giờ là lúc chúng ta bắt tay hành động nhiều hơn…
Theo chương trình, trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu sẽ nghe trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nguồn: Báo lao động thủ đô