Thị trường KH&CN Việt Nam: Những vướng mắc từ thể chế
Thị trường KH&CN Việt Nam: Những vướng mắc từ thể chế
Những vướng mắc đang bủa vây rất nhiều khâu của thị trường KH&CN và trở thành một trong những nguyên nhân khiến thị trường này khó phát triển, thậm chí bế tắc. Muốn góp phần tháo gỡ các vướng mắc ấy, có lẽ trước tiên cần xuất phát từ thể chế.
Hội nghị “Phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra vào ngày 23/9/2022, đã nhìn nhận, phân tích các điểm nghẽn và vướng mắc hiện tại thị trường KH&CN. Mặc dù từ nhiều năm nay, các khiếm khuyết của thị trường KH&CN đã được đề cập đến trong rất nhiều hội nghị, hội thảo lẫn tọa đàm, không chỉ do Bộ KH&CN tổ chức nhưng hiếm khi nào, nó lại được đánh giá một cách trực diện như trong hội nghị này. Có lẽ, ở thời điểm này, không ai còn nghi ngờ về sức mạnh của công nghệ và những gì nó mang lại, khi đã chứng kiến những thay đổi ngoạn mục về đời sống kinh tế, xã hội và cả đời sống văn hóa tinh thần của nhiều quốc gia trên thế giới mà công nghệ mang lại. Nhưng tại Việt Nam, sau nhiều năm thì tất cả dường như vẫn còn chập chững ở những bước đi đầu tiên với một thị trường công nghệ mới tồn tại ở dạng sơ khai: nguồn cung còn quá khiêm tốn, thiếu sự đa dạng, chưa khớp với nhu cầu thị trường; hệ thống vận hành thị trường thiếu chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, không đầy đủ các thành phần tham gia, nếu có thì còn chưa đủ kiến thức, hiểu biết; nguồn cầu thờ ơ, không đặt niềm tin với hàng hóa công nghệ trong nước.
Việc giải quyết những khiếm khuyết thị trường này một cách ngọn ngành sẽ tạo đà phát triển trong tương lai. Đó là lý do vì sao tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra một số câu hỏi mang tính cốt lõi của thị trường KH&CN: Tại sao kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào nhưng hàng hóa KH&CN vẫn còn rất hạn chế? Tại sao nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa KH&CN? Các tổ chức trung gian, môi giới đã làm tốt vai trò kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa KH&CN hay chưa? Hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN hiện nay ra sao, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế thế nào?
Sự tồn tại của những nghịch lý này hé mở một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn đề, đó là thể chế, cơ chế chính sách, hay nói cách khác là hệ thống các quy định, các nguyên tắc pháp luật tác động đến sự hoạt động của thị trường KH&CN cũng như các bên tham gia. Một khi vấn đề này không được giải quyết một cách rốt ráo thì việc “lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm” được bàn tới trong hội nghị này khó thành hiện thực.
Chồng chéo và không thống nhất trong quy tắc vận hành
Mặc dù còn rất mới nhưng thị trường KH&CN ở Việt Nam không phải là một hệ sinh thái hoang dã. Ngược lại, nó được vận hành theo những bộ quy tắc ứng xử khá đầy đủ liên quan trực tiếp đến chủ đề chuyển giao công nghệ. Theo thống kê của pháp điển Việt Nam, có 12 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao dịch công nghệ, trong đó đáng chú ý có Luật Chuyển giao công nghệ 2017/QH14, Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông và 9 thông tư hướng dẫn khác do Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT soạn thảo.
Trên thực tế, thị trường KH&CN không hoạt động độc lập, riêng lẻ mà liên thông và kết nối với rất nhiều hoạt động KH&CN khác. Hãy thử hình dung, một khi đã trở thành một sản phẩm công nghệ giao dịch trên thị trường, nó phải đảm bảo một số tiêu chí quan trọng, ví dụ như hoàn chỉnh về phương pháp, tối ưu về quy trình, đồng loạt về chất lượng sản xuất… Muốn được như vậy, các sản phẩm này đều phải được sản sinh từ kết quả của một chuỗi các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, đề án sản xuất thử nghiệm ở các cấp độ quy mô khác nhau. Và như thế, một sản phẩm công nghệ sẽ liên quan đến rất nhiều hoạt động R&D và cũng như nhiều bên tham gia, không thuần túy chỉ là nhà khoa học. Với một môi trường rộng mở như vậy, một công nghệ sẵn sàng trên thị trường KH&CN sẽ chịu tác động của nhiều bộ quy tắc ứng xử trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Nếu nhìn nhận vấn đề theo cả chuỗi từ ý tưởng ban đầu của nhà khoa học đến việc hình thành công nghệ hoàn chỉnh, một sản phẩm hàng hóa công nghệ, ngoài 12 văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ, sẽ còn chịu sự điều chỉnh của những văn bản liên quan khác. Khó có thể liệt kê ngay một lúc đủ các văn bản như vậy theo các cấp độ từ luật, nghị định đến thông tư hướng dẫn nhưng có thể điểm một số văn bản nổi bật như Luật KH&CN 2013, Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Nghị định 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành qua nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, Luật Đấu thầu 2013/QH13, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017…
Một hệ thống quy định chặt chẽ liên hoàn điều chỉnh sự vận hành của thị trường KH&CN cũng như tạo nguồn cung đa dạng và khuyến khích nguồn cầu tìm đến thị trường được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo đà cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, khuyến khích mua sắm công từ các sản phẩm trong nước và thúc đẩy các nhà khoa học làm ra công nghệ mới cho xã hội. Tuy nhiên trên thực tế thì xảy ra rất nhiều bất cập và chồng chéo trên thị trường. Giáo sư Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã nêu thực trạng “Kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn xử lý chưa thống nhất… Có thể thấy sự không thống nhất này dẫn đến khó áp dụng trong thực tế”.
Viện Hàn lâm là một trong những tổ chức dẫn đầu về phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam (năm 2021, chiếm gần 20% thị phần sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam do người Việt Nam là chủ bằng) nên giáo sư Châu Văn Minh nắm rất rõ những chồng chéo trong quy định ảnh hưởng như thế nào. Ông phân tích, “Ví dụ, kết quả nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ thì áp dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và trong trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì toàn bộ lợi nhuận sẽ thuộc nhà nước. Còn với kết quả được bảo hộ SHTT thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó quy định nhà khoa học được hưởng từ 15% đến 20% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong khi đó, Luật KH&CN 2013 lại quy định nhà khoa học được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.
Về phía các nhà khoa học, việc chuyển giao cũng không dễ dàng. Giáo sư Châu Văn Minh chỉ ra “Việc định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN theo Luật Giá 2012 và Nghị định 70/2018/NĐ-CP khó thực hiện, ngay cả đối với các đơn vị có chức năng thẩm định, nên rất khó khăn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Thậm chí trong một số trường hợp, cơ quan chủ trì và tác giả có thể bị quy trách nhiệm hình sự làm thất thoát tài sản nhà nước, nếu chiểu theo Luật Hình sự 2015”.
Những chồng chéo này đều liên quan đến các câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặt khác cũng là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường KH&CN.
Gỡ rối chính sách
Không giống như nhiều thị trường khác ở Việt Nam, thị trường KH&CN rất đặc biệt vì nó liên quan đến sản phẩm trí tuệ, theo nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. “Chúng ta đang ở thời đại công nghệ cao, tức là KH&CN và trí tuệ con người là nguồn lực quan trọng nhất. Thị trường này do đó là một thị trường then chốt bậc nhất trong hệ thống thị trường và khi thị trường dẫn dắt phát triển thì nền kinh tế chúng ta mới phát triển được”, ông nói.
Như vậy, một thị trường kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt như công nghệ và có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều thị trường khác phải đối mặt với nhiều rào cản sẽ khiến tạo ra những điểm nghẽn về nguồn lực. Nếu không được khơi thông, những chính sách triển khai trong vài năm gần đây của Bộ KH&CN nhằm hướng đến mục tiêu “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” sẽ khó phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Nhưng qua những trao đổi của các chuyên gia tại hội nghị, có thể thấy câu chuyện thị trường nói chung vốn dĩ không đơn giản, thị trường KH&CN nói riêng lại phức tạp hơn rất nhiều. Riêng về định giá công nghệ, đó là cả một vấn đề mà ngay nhà quản lý tài chính như Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cũng phải thừa nhận là Bộ Tài chính từng đưa chuẩn mực quốc tế về định giá vào trong định giá của Việt Nam nhưng việc định giá tài sản vô hình như sản phẩm công nghệ vô cùng khó khăn. Do đó, những vướng mắc trong thể chế, cơ chế liên quan đến thị trường KH&CN không thể giải quyết một cách rốt ráo nếu giữ nguyên những quan điểm tồn tại về đầu tư cho khoa học và không mở rộng những khái niệm mới về quản lý, sử dụng tài sản công… trong lĩnh vực KH&CN.
Nếu nhìn vào những thực trạng của thị trường KH&CN, có thể thấy rất nhiều hướng giải quyết vấn đề tồn tại về thể chế, cơ chế chính sách không hoàn toàn nằm trong tay Bộ KH&CN mà liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác. Vì vậy kiến nghị của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng hé mở một số “lối thoát” cho thị trường KH&CN: Điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ…; Trong mua sắm công, có chính sách khuyến khích, ưu tiên mua thiết bị, công nghệ… là sản phẩm được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước…
Có thể ngay trong một lúc, những tồn tại này có thể được giải quyết một cách rốt ráo và đồng bộ nhưng cũng bắt đầu thấy hứa hẹn một số thay đổi nhất định. Trước sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, “Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 70 hướng dẫn Luật Tài sản công, theo hướng sẽ không bồi hoàn lại tiền ngân sách nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu các sản phẩm KH&CN. Nếu sửa đổi theo hướng này sẽ khuyến khích trong việc chuyển giao các sản phẩm KH&CN”.
Việc rà soát và sửa đổi những vấn đề bất cập tồn tại trong cơ chế, chính sách phụ thuộc vào tư duy đổi mới của các nhà hoạch định chính sách và sự thay đổi ở lĩnh vực công. PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng “Về điều kiện để thị trường KHCN phát triển, đầu tiên, đất nước phải có tầm nhìn về KHCN nhằm định hướng rõ KHCN phải dẫn dắt sự phát triển của quốc gia… Tiếp đó, Nhà nước phải là người mua sản phẩm KH&CN nhiều nhất. Đây là điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp. Nếu Nhà nước là người mua hàng lớn nhất thì thị trường này phát triển rất nhanh”. Việc mua sắm công sản phẩm KH&CN, theo gợi ý của giáo sư Châu Văn Minh hay PGS. TS Trần Đình Thiên, liên quan đến Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư… Do đó, đây sẽ là một cuộc đổi mới toàn diện và chạm đến những phạm vi lớn hơn KH&CN.
Nhưng nhìn sâu hơn vào bản chất của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, để một thị trường KH&CN phát triển “tương xứng với tiềm năng sáng tạo” như nhiều chuyên gia vẫn nói và “khuyến khích các nguồn lực đầu tư rót tiền vào thị trường, thì điều đầu tiên cần được đổi mới là quan điểm đầu tư cho khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, để có được kho ý tưởng sáng tạo có tiềm năng chuyển thành công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể sẵn sàng làm ra công nghệ mới hoặc đủ năng lực làm chủ công nghệ lõi.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị