WWF: Phát động chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi ăn thịt thú rừng
WWF: Phát động chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi ăn thịt thú rừng
Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị diễn ra từ nay tới tháng 11/2022, tại Việt Nam, Lào và Campuchia
Chiến dịch trên với sự tài trợ của WWF-Hoa Kỳ, do WWF (Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên) -Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế và Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đồng thực hiện, sẽ diễn ra từ nay tới tháng 11/2022, tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người, WWF vừa ra mắt “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị,” trong đó nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt – đó là rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.
Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng..
Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD) làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt thú rừng. Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.
Các đợt bùng phát nghiêm trọng dịch bệnh đối với con người, chẳng hạn như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1), Covid-19 và bệnh Đậu mùa khỉ đều là các bệnh lây truyền từ động vật, có nghĩa là chúng được truyền từ động vật sang người. Động vật không phải là nguyên nhân gây ra những đợt bùng phát này – trên thực tế, nếu như chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết các mầm bệnh chúng mang theo khó có thể đe dọa tới con người. Nguyên nhân là do các hoạt động xâm lấn của con người vào những nơi hoang dã, dẫn đến sự tiếp xúc gần giữa các loài hoang dã và con người. Các hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao là săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt ĐVHD.
Theo lãnh đạo WWF-Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gene quý và bảo tồn đa dạng sinh học.
Do phạm vi của chiến dịch khá rộng, nên WWF thống nhất với các đơn vị khoanh vùng đối tượng mục tiêu là người tiêu dùng thành thị. Tổ chức này cho rằng, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF-Việt Nam cho biết, đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất nằm ở Hà Nội và TP.HCM, có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng, và thường sử dụng thịt thú rừng trong các dịp liên hoan tại các nhà hàng.
Vào dịp cuối năm, nhu cầu này có xu hướng gia tăng. Do đó, WWF phát động chiến dịch từ nay đến tháng 1/2023 và chia ra làm 2 giai đoạn chính. Từ ngày phát động (hôm nay 21/10) đến đầu tháng 11/2022, là cung cấp thông tin và tổ chức các hội thảo kỹ thuật, lấy ý kiến chuyên gia. Giai đoạn kế tiếp là tăng cường lan toả thông tin trên các nền tảng Internet.
Chiến dịch truyền thông này sẽ được thực hiện tại 3 quốc gia: Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt ĐVHD cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị