Những thách thức trong việc xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái

 

Nông thôn mới xã Việt Thành, huyện Trấn Yên. Ảnh: Thái Sinh.
Nông thôn mới xã Việt Thành, huyện Trấn Yên. Ảnh: Thái Sinh.

Tỉnh Yên Bái sau khi sáp nhập hiện có 150 xã nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Kể từ năm 2016 – 2020, với nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cũng như nhiều bộ, ngành khác, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành xây dựng 75 xã NTM, trong đó Trấn Yên là huyện đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đạt chuẩn huyện NTM.

Như vậy, đến nay Yên Bái đã có 50% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó TP Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành việc xây dựng NTM. Việc xây dựng NTM đối với các xã còn lại vô cùng khó khăn, nhất là các xã vùng cao hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí, công ăn việc làm, thiết chế văn hóa… còn nhiều hạn chế.

Trong 13 xã xây dựng NTM năm 2021, trong đó chỉ có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, các xã còn lại chỉ đạt từ 9 – 15 tiêu chí, đó là các xã: Châu Quế Thượng (Văn Yên), Minh An (Văn Chấn), Phúc Ninh, Xuân Lai (Yên Bình), Tân Lĩnh (Lục Yên)… các tiêu chí các xã vướng nhất là: đường giao thông nông thôn, cơ sở y tế, trường học đặc biệt là môi trường và an toàn thực phẩm.

Môi trường nông thôn hiện nay đang là báo động đối với tất cả các xã đã hoàn thành xây dựng NTM và các xã đang xây dựng NTM, trong đó việc phát triển chăn nuôi không có quy hoạch cộng với rác thải sinh hoạt đã khiến nhiều vùng nông thôn trở nên ô nhiễm nặng nề, trong đó phải kể đến xã Nghĩa Lộ bị ảnh hưởng bởi hai cơ sở chăn nuôi lợn chất lượng cao của Công ty TNHH Minh Hiền Yên Bái, khiến hơn 200 hộ dân như sống trong địa ngục.

Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tham gia trồng hoa hồng. Ảnh: Thái Sinh.
Người dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tham gia trồng hoa hồng. Ảnh: Thái Sinh.

Với quyết tâm của các cấp chính quyền và nỗ lực của người dân, các tiêu chí còn lại sẽ gấp rút hoàn thành trước tháng 12/2021, trong đó xã Tân Hợp còn 6 tiêu chí sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021, xã Khánh Thiện hoàn thành 6 tiêu chí vào tháng 10/2021, xã Phúc Ninh, Mỹ Gia, Xuân Lai hoàn thành vào tháng 11/2021, xã Châu Quế Thượng hoàn thành 10 tiêu chí còn lại vào tháng 12/2021…

Việc xây dựng đường giao thông nông thôn với cả trăm cây số tưởng như khó khăn, nhưng đã được người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường, góp công góp của để xây dựng, đến nay đã cơ bản hoàn thành, một số xã sẽ hoàn thành chậm nhất vào tháng 10/2021.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Trấn Yên. Ảnh: Thái Sinh.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Trấn Yên. Ảnh: Thái Sinh.

Điều đáng lo ngại nhất là điện nông thôn, theo tiêu chí thì số hộ được sử dụng điện thường xuyên đạt 95- 98% là việc không dễ dàng đối với nhiều xã vùng cao. Trong 13 xã xây dựng NTM năm 2021 thì có 3 xã nhiều thôn bản chưa có điện: Tân Hợp, Châu Quế Thượng, Nậm Khắt. Đặc biệt xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã đạt 18/19 tiêu chí nhưng hiện nay còn 1 tiêu chí là điện nông thôn thì có tới 3 thôn vẫn chưa có điện.

Nông dân xã NTM Đông Cuông đưa máy cấy vào đồng ruộng. Ảnh: Thái Sinh.
Nông dân xã NTM Đông Cuông đưa máy cấy vào đồng ruộng. Ảnh: Thái Sinh.

Năm 2021 Yên Bái xây dựng 11 xã NTM nâng cao, trong đó huyện Trấn Yên xây dựng 4 xã, huyện Văn Yên, Yên Bình mỗi huyện xây dựng 2 xã. Các nhóm tiêu chí: giáo dục – y tế – văn hóa; môi trường; an ninh trật tự cần được nâng cao. Đặc biệt, cần chấm dứt việc khiếu kiện đông người trái luật, không có công dân thường trú phạm tội nghiêm trọng.

Trước dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, tỉnh Yên Bái hiện đang trong vùng an toàn, vì thế các cấp chính quyền và người dân các xã đang tranh thủ thời gian dốc toàn lực để xây dựng MTM, phấn đấu đến cuối năm 2021 thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 88 xã.

 
Ông Nhâm Xuân Trường- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Ông Nhâm Xuân Trường – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng NTM đối với các xã còn lại sẽ vô cùng khó khăn, nhất là khi áp dụng bộ tiêu chí mới. Những tiêu chí tưởng như khó khăn như: xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, môi trường nông thôn…các địa phương và người dân đều quyết tâm hoàn thành. Điều khó khăn nhất hiện nay là điện thôn thôn lại phụ thuộc vào Bộ Công Thương, đó là tiêu chí ngoài tầm tay của Sở NN& PTNT và chính quyền địa phương…

Xem bài: Những thách thức trong việc xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích