Bắc Giang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý xử lý vi phạm hành chính

Bắc Giang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý xử lý vi phạm hành chính

Tường Minh –  Thứ sáu, 21/10/2022 10:10 (GMT+7)

Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cấp đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính.

Chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; trọng tâm là Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,…

Phát huy vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương của các đồng chí cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tuân thủ pháp luật và thực thi các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc địa bàn, ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, người tham mưu trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện về xử lý vi phạm hành chính.

Phát huy vai trò của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên thông tin các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa vào sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị và thực hiện lồng ghép với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở, khu dân cư.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; phê bình những tổ chức, cá nhân vi phạm. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Cần quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng, tăng cường bố trí đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng về xử lý vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ tham mưu và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều vướng mắc, bất cập như: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, an ninh, trật tự, các lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế và đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế; tăng cường đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân bị xử phạt; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thông qua cơ chế kiểm tra, xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tiếp nhận đầy đủ và kịp thời giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí đối với tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Quan tâm bố trí điều kiện, cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục mở rộng và nâng cấp Cơ sở dữ liệu tỉnh Bắc Giang về xử lý vi phạm hành chính, hướng tới tích hợp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, về dân cư./,

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích