Nông nghiệp sinh thái: giải pháp thiết thực giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhất là đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Trải qua đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều tích cực đã được ghi nhận, sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất…, trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, cùng với 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là cam kết tham gia sáng kiến Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, theo đó giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Để thực hiện các cam kết này, tháng 1/2022, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ “Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Bền vững, Giai đoạn 2021 – 2030, Tầm nhìn đến 2050” và đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Các đại biểu tham dự diễn đàn nhất trí rằng việc thực hiện các cam kết quốc tế nói trên cũng như triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà từ cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Tham dự diễn đàn nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Các Thương hiệu cà phê của Tập đoàn Nestlé nhấn mạnh: “biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của xã hội. Đây cũng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với việc sản xuất các thành phần trong thực phẩm và đồ uống của chúng tôi. Chúng tôi đang tích cực hành động để trở thành một công ty có mức phát thải ròng bằng “0” và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các hệ thống thực phẩm tái sinh trên quy mô lớn. Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ về phương pháp tiếp cận nông nghiệp tái sinh và lý do tại sao nông nghiệp tái sinh là một phần quan trọng trong lộ trình Net Zero của Nestlé”.
“Chúng tôi vừa công bố Chương trình Nescafé Plan 2030, mục tiêu bền vững và hành trình nông nghiệp tái tạo cho thương hiệu cà phê lớn nhất của chúng tôi, Nescafé.” ông David Rennie cho biết thêm: “chúng tôi đang cùng làm việc với nông dân để giúp họ chuyển đổi sang phương thức canh tác cà phê tái sinh và tìm kiếm các giải pháp đồng bộ tốt nhất phù hợp với vùng và cây trồng của họ.”
Với vai trò là Đồng chủ trì PSAV và Đồng chủ trì Tiểu ban Sản xuất của Ngành hàng cà phê, cũng như một doanh nghiệp tiên phong trong khối Tư, Nestlé Việt Nam bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp sinh thái. Chương trình NESCAFÉ Plan của Nestlé Việt Nam hiện đang thực hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên áp dụng mô hình Nông nghiệp tái sinh là một giai đoạn quan trọng để tiến đến Nông nghiệp sinh thái.
Không chỉ chia sẻ về kinh nghiệm và thành tựu của NESCAFÉ Plan tại diễn đàn, Nestlé Việt Nam cũng chia sẻ những sáng kiến trong canh tác tái sinh, nhân rộng các mô hình thực hành tốt, hướng đến nền nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phương thức canh tác tái sinh quan trọng cần được thúc đẩy mà Nestlé giới thiệu bao gồm: tăng cường đa dạng sinh học, bảo tồn đất, tái tạo các chu trình nước và kết hợp chăn nuôi.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tái cơ cấu và thúc đẩy ngành nông nghiệp dựa trên chất lượng và giá trị để trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này song song với việc thực hiện tốt cam kết của Chính phủ tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc thúc đẩy hợp tác đa bên bao gồm khối Công, khối Tư và các đối tác trong toàn chuỗi cung ứng là rất cần thiết./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu