Hệ quả của biến đổi khí hậu nhìn từ bão miền Trung

Hệ quả của biến đổi khí hậu nhìn từ bão miền Trung

MTĐT –  Thứ năm, 20/10/2022 14:32 (GMT+7)

Những cơn bão và thời tiết cực đoan vừa qua gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, đáng lo ngại hơn, các hiện tượng bất thường cho thấy dấu hiệu của sự biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó, tránh bị động dẫn đến hệ quả khó lường.

Những cơn bão đổ bộ vào miền Trung trong thời gian qua là do biến đổi khí hậu. Ảnh: Vũ Hạ  
Những cơn bão đổ bộ vào miền Trung trong thời gian qua là do biến đổi khí hậu. Ảnh: Vũ Hạ

Hiện tượng thời tiết bất thường

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Hoàng Thị Bình Minh, Viện nghiên cứu khoa học Miền Trung, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất. Có nguyên nhân bắt nguồn từ tự nhiên và nhân tạo nhưng con người là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Với sự hiện diện của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm bão, lũ, lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặc và xói lở bờ sông, miền Trung là nơi nhạy cảm và thể hiện rõ ràng nhất về vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhiều năm qua, các hình thế thời tiết cực đoan, như bão và áp thấp nhiệt đới, gây hệ quả về sạt lở đất, xói mòn, trượt lở đất gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của cho người dân địa phương. Đáng ngại hơn, hiện tượng hạn hán cũng xuất hiện tại miền Trung dù đây là nơi có mưa nhiều. Hạn hán kết hợp với nước biển dâng cao đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và khan hiếm nguồn nước cho các hoạt động.

Do đó, an ninh nguồn nước và lương thực ở khu vực bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Th.S Hoàng Thị Bình Minh cho rằng, hạn hán, bão lũ thất thường và nước biển dâng là ba vấn đề liên quan đến khí hậu cần phải nghiên cứu giải quyết để hạn chế thiệt hại đến con người và đời sống.

Cơn bão số 5 – Sonca vừa qua là một trong những ví dụ về hệ quả của hiện tượng thời tiết bất thường gây hậu quả nghiêm trọng về người, khiến hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước. Theo nhận định của chuyên gia, bão số 5 có hình thái đặc biệt, được hình thành ngay trên Biển Đông từ một vùng áp thấp, thay vì di chuyển từ Thái Bình Dương vào như nhiều cơn bão khác.

Đồng thời, Sonca chỉ duy trì hình thái là một cơn bão trong vài giờ, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng lại gây ra lượng mưa lên tới trên 500mm trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Nhiều người dân địa phương cho rằng đây là lượng mưa lịch sử, mức độ ngập cũng là chưa từng có.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông sẽ còn khoảng từ 3 – 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Riêng trong tháng 11/2022, tổng lượng mưa ở nhiều khu vực tiếp tục có sự thay đổi, cao hơn so với trung bình nhiều năm, có nơi lên đến trên 70%.

Hầm chui Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng nước ngập sau trận mưa vừa qua. Ảnh Quang Hải
Hầm chui Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng nước ngập sau trận mưa vừa qua. Ảnh Quang Hải

Nâng cao năng lực ứng phó

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết: “Việc nhận định rõ ràng về vấn đề biến đổi khí hậu sẽ giúp cho chúng ta có các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế những thiệt hại có thể gây ra bởi hiện tượng thời tiết cực đoan trước mắt và cả về lâu dài. Lấy ví dụ như trong những năm qua, tôi nhận thấy hiện tượng mưa bão đang dần giảm ở Miền Bắc và chuyển dịch về phía Nam. Đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng biến đổi khí hậu nhưng lại rất ít được đề cập, đánh giá tác động”.

Khẳng định nếu chỉ đánh giá chủ quan từ một vài hiện tượng khí tượng thất thường để đưa ra hệ quả của biến đổi khí hậu là chưa đủ, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, cần dựa trên những công trình nghiên cứu, lưu trữ số liệu căn cơ trong nhiều năm để so sánh rồi mới đưa ra kết luận để tìm ra giải pháp hiệu quả ứng phó với mọi tác động. Tuy nhiên, hiện nay các phương pháp khoa học dường như chưa có sự quan tâm đúng mức.

Trước những nguy cơ liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Trong đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế – xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững.

Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, động đất, sóng thần, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai…

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng để định hướng của Chính phủ đạt hiệu quả, giữa các bộ, ngành cần có sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra kế hoạch đồng bộ để tích hợp rủi ro và các vấn đề biến đổi khí hậu vào trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách và thông tư hướng dẫn phải được bộ, ngành phối hợp nhịp nhàng, tránh chồng chéo trong thực hiện chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ chế xử phạt đối với các hành vi phá hoại tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là bổ sung nguồn lực tài chính phục vụ cho việc nghiên cứu, đo đạc, đánh giá về những thay đổi của hệ thống khí hậu.

Vấn đề nâng cao nhận thức của người dân địa phương được xem là một chiến lược bền vững cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nhận thức của thế hệ trẻ có ý nghĩa định hình cho tương lai của khu vực cũng như định hình lối sống, đạo đức và lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ.

Thạc sĩ Hoàng Thị Mỹ Bình, Viện nghiên cứu Khoa học miền Trung

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích