Quảng Ninh: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý vịnh Hạ Long

(Xây dựng) – Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553km2 bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335km2 quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Vịnh Hạ Long không những được công nhận là Di sản Thế giới mà còn được công nhận là Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới. Nơi đây đang được coi là mỏ “vàng trắng” của tỉnh Quảng Ninh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cực kỳ cam go với tỉnh này bởi công tác quản lý Nhà nước về vịnh trong bối cảnh du khách đến tham quan ngày một đông hơn, áp lực về môi trường, về an toàn đòi hỏi ngày càng cao hơn. Do đó “bài toán” đảm bảo an toàn cho du khách và bảo tồn phát huy di sản đang được giao cho UBND thành phố Hạ Long mà cụ thể là Ban quản lý vịnh Hạ Long.

quang ninh tiep tuc tang cuong cong tac quan ly vinh ha long
Hoạt động chèo đò trái phép tại Hang Luồn đã bị Ban quản lý vịnh Hạ Long lập Biên bản (ngày 15/10/2022) ảnh do người dân cung cấp.

Được biết, ngày 27/04/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Thông báo số 110 chỉ đạo về phương án, tổ chức, quản lý hoạt động một số dịch vụ vui chơi trên vịnh Hạ Long. Cũng theo Thông báo này cho thấy hoạt động kinh doanh du lịch đối với đò chèo tay và chèo thuyền kayak là 2 loại hình dịch vụ mới phát sinh theo hướng tự phát nhưng không bị pháp luật cấm và đáp ứng đúng nhu cầu của du khách nên được đưa vào diện cấp phép, quản lý.

Tại Thông báo này, tỉnh cũng nhấn mạnh “Yêu cầu UBND thành phố Hạ Long xác định phạm vi, ranh giới cắm phao tiêu tại 8 điểm đã quy hoạch trên vịnh. Ban quản lý vịnh Hạ Long có trách nhiệm kiểm soát các hoạt động, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách. Lập danh sách các phương tiện hiện có của các doanh nghiệp để quản lý, tuyệt đối không được bổ sung, phát sinh phương tiện mới”.

Ngay sau đó, UBND thành phố Hạ Long ra Văn bản 3175 ngày 28/04/2017 hướng dẫn thực hiện Thông báo 110 của UBND tỉnh. Theo đó, nếu các doanh nghiệp có nguyện vọng được tham gia tổ chức loại hình hoạt động dịch vụ đò chèo tay và chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long thì lập danh sách và đăng ký hoạt động, ký hợp đồng với Ban quản lý vịnh Hạ Long trước ngày 15/5/2017 để được hoạt động.

Đồng thời, Văn bản 3204 ngày 03/05/2017 của UBND thành phố Hạ Long có nội dung “chỉ tiếp nhận số lượng đò chèo tay và chèo thuyền kayak của các đơn vị đã hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vịnh từ thời điểm trước ngày 01/04/2017”.

Tuy nhiên, sau các thời hạn mà UBND đã “chốt” số lượng phương tiện không phát sinh thêm thì lại xuất hiện Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long có đề nghị mong muốn được đăng ký thêm phương tiện để hoạt động dịch vụ. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Văn bản số 4238 ngày 25/06/2020 gửi UBND thành phố Hạ Long về việc bổ sung phương tiện thủy phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long. Điều mấu chốt để đơn vị này được đáp ứng nhu cầu theo nội dung Văn bản là buộc phải có “ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Ban quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan”. Theo một cán bộ của Ban quản lý vịnh Hạ Long thì các sở và các cơ quan liên quan chưa có ý kiến thống nhất đồng ý chấp thuận cho doanh nghiệp này được đăng ký thêm phương tiện để hoạt động. Đồng thời các văn bản trước đây về việc không tăng thêm phương tiện đò chèo tay và chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long sau thời điểm ngày 15/05/2017 vẫn còn hiệu lực.

Mặc dù vậy, ngày 14/10/2022 và ngày 16/10/2022 người dân liên tục gửi hình ảnh về việc có đơn vị “lạ” hoạt động dịch vụ chèo đò tay tại khu vực Hang Luồn trên vịnh Hạ Long về phản ánh với phóng viên. Hình ảnh, thông tin ngay lập tức được phóng viên chuyển qua các lãnh đạo của quản lý vịnh Hạ Long, UBND thành phố Hạ Long để kiểm tra, xử lý. Được biết, lãnh đạo thành phố Hạ Long và quản lý vịnh Hạ Long đã tiếp thu ngay lập tức và cho lập Biên bản về hành vi vi phạm hoạt động du lịch trái phép trên vịnh. Chắc chắn sau đó UBND thành phố sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

Dù sao cũng phải công nhận rằng công tác quản lý Nhà nước về vịnh Hạ Long của UBND thành phố Hạ Long nói chung và của quản lý vịnh Hạ Long nói riêng đã và đang tiến bộ rất nhiều. Họ đang rất cố gắng hoạt động sao cho quyền kinh doanh của doanh nghiệp không bị mâu thuẫn với quyền quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long. Và, việc tỉnh Quảng Ninh cũng như thành phố Hạ Long rất quyết liệt trong quản lý mật độ phương tiện, loại hình dịch vụ trên vịnh là nhằm đảm bảo tuyệt đối tính an toàn về người và tài sản, đảm bảo tối đa môi trường và bảo tồn di sản cũng như đảm bảo tính hiệu quả, trật tự trong kinh doanh dịch vụ du lịch cho các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích