Người trồng chè đồng lòng vượt qua mùa dịch
Cùng nhau giảm bớt lợi nhuận
Anh Nguyễn Đăng Thiều, Cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đưa chúng tôi tìm hiểu hoạt động tại Tổ Hợp tác sản xuất chè, thuộc làng nghề chè truyền thống Chính Phú (xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ). Theo giới thiệu, người làm chè nói riêng cũng như người làm nông nghiệp trong thời điểm hiện tại gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19.
Tuy nhiên, tổ hợp tác vẫn duy trì việc thu mua nguyên liệu chè búp tươi thường nhật cho các thành viên với với giá luôn cao hơn giá thị trường. Thực tế, xưởng sản xuất với hàng chục tôn quay, máy xao, máy vò chè hoạt động liên tục. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu được bà con chở đến kìn kìn từ đầu giờ sáng.
Bà Đào Thị Thoi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, Giám đốc Công ty TNHH Trà Tuất Thoi cho biết, hiện mỗi ngày, công ty thu mua xấp xỉ 1 tấn chè nguyên liệu với giá từ 40.000 – 55.000 đồng/kg.
Mức giá trên cao hơn so với thị trường từ 5000 – 10.000 đồng/kg. Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến mạch cung ứng, song liên kết thu mua vẫn dược duy trì ổn định. Bà Thoi lý giải, gốc rễ của vấn đề là niềm tin, uy tín đối với nhau về chất lượng chè nguyên liệu tươi được đảm bảo.
Dù là Tổ trưởng Tổ hợp tác, là Giám đốc công ty, song bản thân bà Thoi cũng là người nông dân một nắng hai sương, cũng làm chè và đồng cam cộng khổ với bà con chòm xóm từ bao năm nay.
Cái hơn của bà Thoi là khai thác được những mối hàng bền vững. Để duy trì được những khách hàng lớn và thường xuyên, nhất thiết phải duy trì được chất lượng, sản lượng hàng hóa. Giữa lúc khó khăn này, mỗi bên đều phải chịu thiệt một ít.
Doanh nghiệp “ăn” ít hơn để duy trì giá thu mua mới giữ được mối hàng. Đến lúc khan hàng, người dân mới chịu bán chè nguyên liệu cho mình.
Ở chiều ngược lại, ông Đỗ Thành Lân, một thành viên của Tổ Hợp tác Sản xuất chè hữu cơ Chính Phú tâm sự: gọi là doanh nghiệp với nông dân, song hai bên mua bán trọng tình, tin tưởng và trách nhiệm. Người làm chè còn chủ động đề nghị doanh nghiệp giảm giá, hạn chế thiệt thòi mà doanh nghiệp phải đương đầu.
“Mỗi thành viên đều ý thức được việc làm chè an toàn, chè hữu cơ theo tổ hợp tác thì bản thân đã có lợi ích từ chăm sóc, chế biến, tiêu thụ đến giá bán luôn cao hơn thị trường rồi. Làm ăn chộp giật, nay bán giá cao cho người khác, mai không bán được mang về liệu Tổ Hợp tác có còn thu mua nữa hay không? Chưa kể, chè hữu cơ bằng thật nhưng mang ra ngoài thì ai biết đấy là đâu mà mua với giá cao hơn”, ông Lân nói.
Hợp tác xã “đề kháng cao” trước rủi ro, dịch bệnh
Với quan điểm cùng nhau sẻ chia, ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc (huyện Phú Lương) cho biết, khi chuyển sản xuất theo hướng hữu cơ, bà con trong HTX rất ủng hộ. Nay chuyển hẳn sang để được chứng nhận sản xuất hữu cơ, bà con vẫn ủng hộ hết mình. Sản phẩm mới chưa phổ biến rộng rãi nhưng lại đáp ứng được một lượng khách hàng sẵn sàng mua với giá cao.
“Nếu mình không bao tiêu thì bà con biết mang hàng đi đâu. Muốn giữ mối bán thì phải giữ mối thu mua, phải giữ giá thu mua. Trong lúc dịch giã thế này, cả người mua, người bán cần cùng nhau nâng cao trách nhiệm, cùng nhau chia sẻ để tiêu thụ nông sản”, ông Khiêm bảo.
Với quan điểm đó, toàn bộ sản phẩm của Tổ Hợp tác Sản xuất chè hữu cơ Khe Cốc đã được HTX thu mua với giá luôn đảm bảo cao hơn so với giá thị trường.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất cho người dân trong tình hình dịch bệnh Covid – 19. Trong quá trình tiển khai, các HTX, tổ hợp tác sản xuất chè thể hiện là mô hình có sức “đề kháng cao” dựa trên mối quan hệ cộng đồng bền vững.
Đó cũng là định hướng để cơ quan chức năng chọn lựa xây dựng phương án hỗ trợ đối với những HTX, tổ hợp tác đáp ứng được quy mô vùng, sản xuất hiện đại, bền vững.
Xem bài: Người trồng chè đồng lòng vượt qua mùa dịch
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu