Kết nối cơ hội đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp Australia-Việt Nam
Các học giả tiến hành các hoạt động nhằm kết nối các SME của Australia và Việt Nam trong hệ sinh thái sáng tạo trên các lĩnh vực mới nổi, bao gồm công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…
Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnews.vn) |
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia vừa cấp một khoản tài trợ cho một nhóm các học giả Việt Nam tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) để thực hiện dự án kết nối các cơ hội đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Australia và Việt Nam.
Khoản tài trợ trị giá 200.000 AUD (3,4 tỷ đồng Việt Nam) được cấp trong khuôn khổ Chương trình Thí điểm tăng cường gắn kết kinh tế Australia-Việt Nam (AVEG) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Trong hai năm thực hiện dự án, từ tháng 9/2021 đến 7/2023, UTS và các đối tác tại Việt Nam, bao gồm Văn phòng Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam tại Sydney, Saigon Innovation Hub, Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tiến hành các hoạt động nhằm kết nối các SME của Australia và Việt Nam trong hệ sinh thái sáng tạo trên các lĩnh vực mới nổi, bao gồm công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và công nghệ môi trường.
Với sự tham gia của các học giả tại UTS bao gồm Tiến sỹ Nguyễn Điệp, Giáo sư Eryk Dutkiewicz, Tiến sỹ Đinh Thái Hoàng và Giáo sư Nghiêm Đức Long, dự án sẽ giúp thúc đẩy thương mại song phương cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước xây dựng và tăng cường các mối quan hệ trong và sau thời gian thực hiện dự án.
Về các hoạt động cụ thể của dự án, Giáo sư Nghiêm Đức Long cho biết các đối tác tại Australia và Việt Nam sẽ thiết lập một cổng thông tin trực tuyến về các cơ hội đầu tư, công nghệ và nhu cầu ở Việt Nam về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng sạch…
Mục đích của cổng thông tin này là nhằm tạo ra một kênh kết nối mới cho hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ cho các doanh nghiệp Australia và Việt Nam trong bối cảnh việc đi lại giữa hai nước đang bị hạn chế do đại dịch COVID-19.
Dự án cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo và diễn đàn để chia sẻ thông tin về cách các doanh nghiệp khởi nghiệp và SME có thể tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ sáng tạo mới với chi phí hợp lý, ví dụ như thông qua hợp tác với các trường đại học và cơ sở nghiên cứu phát triển, các khóa đào tạo về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm sáng tạo…
Trong vài năm qua, UTS đã đẩy mạnh hoạt động tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua mô hình chuyển giao công nghệ UTS Rapido Việt Nam trong các dự án kỹ thuật môi trường, bao gồm việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hệ thống nước bền vững./.
Nguồn: Báo xây dựng