Các bài học từ giải Nobel Kinh tế
Tôi quan tâm đến các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách nghiêm túc là từ năm 2009. Ở thời điểm đó Việt Nam cũng trải qua một cơn bão tỷ giá; lạm phát vọt lên tới hơn 20%.
Dĩ nhiên, với nhiều người, đó là thời cơ vàng để lướt sóng ngoại tệ, vàng và gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất phi chính thức lên tới 27%. Nhưng giữa những thời khắc say mê với lợi nhuận như vậy, là một người nghiên cứu về kinh tế, tôi hay tự hỏi theo kinh nghiệm thế giới thì một ngân hàng trung ương sai lầm sẽ nguy hại đến dường nào? Đáng tiếc là thực tiễn cho thấy ngân hàng trung ương dù có độc lập với chính phủ, vẫn mắc sai lầm.
Như Ben Bernanke – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một trong ba nhà kinh tế nhận giải Nobel năm nay, quan sát “mọi người không nghĩ hệ thống tài chính là một phần quan trọng của chu kỳ kinh doanh hoặc một phần quan trọng của những gì đang thúc đẩy nền kinh tế”. Mặc dù vậy, “những phát triển trong hệ thống tài chính có thể có những tác động kinh tế vĩ mô quan trọng. Chúng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh, cũng như tất nhiên tạo ra những cuộc khủng hoảng lớn như chúng ta đã thấy”. Một số lần nó còn góp phần dẫn đến đại chiến thế giới, như giai đoạn 1929 – 1933.
Vì thế, nghiên cứu về ngân hàng đóng một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của mọi xã hội. 2008 là cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất nhưng không ai dám chắc đó sẽ là lần khủng hoảng cuối cùng. Giải Nobel Khoa học Kinh tế năm 2022 đã được trao cho Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig “vì nghiên cứu của họ về các ngân hàng và khủng hoảng tài chính”.
3 nhà khoa học Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig được trao giải Nobel Kinh tế 2022 (Ảnh: Rappler). |
Giải Nobel năm nay là sự công nhận với những nghiên cứu từ thập niên 1980 để trả lời cho chúng ta ba câu hỏi về ngân hàng: i) Trong số rất nhiều điều mà ngân hàng làm, đâu là tính năng thiết yếu? ii) Tại sao ngân hàng là tổ chức thực hiện các chức năng đó? iii) Điều gì sẽ xảy ra khi có khủng hoảng xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng?
Các câu trả lời nằm trong ba bài báo với hai đóng góp lý thuyết của Dybvig (1983), Diamond (1984) và một đóng góp thực nghiệm của Bernanke (1983).
Các nghiên cứu này chỉ ra rằng bản chất của các ngân hàng là nhận tiền gửi để chuyển các dịch vụ từ người tiết kiệm sang hoạt động cho vay. Và do đó cả việc gửi tiền lẫn việc cho vay đều quan trọng như nhau. Điều này nghe có vẻ tầm thường. Nhưng nhờ chức năng đó mà ngân hàng giúp tăng lưu động của tiền gửi. Thật không may, sự sắp xếp này đi kèm với một khiếm khuyết rõ ràng là sự bảo đảm của ngân hàng sẽ đứng trước thử thách nếu mọi người quyết định lấy lại tiền của mình cùng lúc.
Ngân hàng không có cách nào để phân biệt ai thực sự cần rút, còn ai đang làm như vậy vì hoảng sợ. Như Diamond thường nói, sợ hãi bản thân nó đã là một vấn đề. Có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề đó, bảo hiểm tiền gửi và quy định thanh khoản là những điều kiện thiết yếu với các định chế tài chính.
Hậu quả kinh tế gì sẽ xảy ra khi có khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng? Công trình nghiên cứu của Friedman và Schwartz (1963) cho rằng các vấn đề kinh tế bắt nguồn từ tổn thất cho những người tiết kiệm. Điều này được chứng minh trong cuộc Đại suy thoái từ năm 1930, bắt đầu ở Hoa Kỳ. Vấn đề bắt nguồn từ các ngân hàng khiến người dân và doanh nghiệp không thể thực hiện thanh toán và không có thanh toán, nền kinh tế không thể hoạt động.
Tất nhiên, đây không phải là lời giải thích duy nhất. Khi tiền gửi ngân hàng giảm, các khoản cho vay cũng vậy. Bernanke (1983) lưu ý rằng cả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đều cho thấy, không chỉ sự sụp đổ của các khoản nợ phải trả mới là vấn đề quan trọng, mà còn là sự mất mát của các khoản cho vay cũng có ảnh hưởng độc lập đến suy thoái kinh tế.
Chính từ quan sát này, khi trở thành Chủ tịch của Fed vào năm 2006, Ben đã phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bằng hai giải pháp quan trọng (i) Fed nới lỏng định lượng, tăng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại để duy trì các hoạt động cho vay, qua đó (ii) chấm dứt sự hoảng loạn của bên gửi tiết kiệm. Mặc dù bị chỉ trích là mang tiền cứu những kẻ lừa đảo nhưng nhìn lại chính sách của Ben đã phát huy hiệu quả.
Sau này, trong bài viết dài 92 trang vào năm 2018 của mình mang tên “Tác động thực sự của khủng hoảng tài chính”, Ben nhận thấy rằng diễn biến thị trường tín dụng đáng được các nhà kinh tế vĩ mô chú ý hơn, không chỉ để phân tích các tác động kinh tế của khủng hoảng tài chính mà còn trong việc nghiên cứu các chu kỳ kinh doanh thông thường.
Bên cạnh đó, ông cũng cung cấp bằng chứng mới về các kênh mà cuộc khủng hoảng tài chính gần đây làm suy giảm hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ. Đó là sự hoảng loạn trong thị trường huy động vốn và các thị trường chứng khoán khác, điều này đã làm gián đoạn cung cấp tín dụng.
Phát hiện này củng cố quan điểm rằng ngân hàng trung ương cần đóng vai trò trọng yếu trong việc ngăn chặn cơn hoảng loạn nhằm tránh thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế thực. Và sự độc lập của ngân hàng trung ương cần được coi trọng đúng mức để tránh các can thiệp có thể dẫn đến các khủng hoảng tồi tệ hơn sau khi khủng hoảng tài chính đã được dập tắt.
Nhưng hiện nay, sau hai năm đại dịch, sự độc lập này đang bị đe dọa khi các chính phủ thực hiện kích thích kinh tế quy mô lớn.
Để kích thích kinh tế, các chính phủ có thể bơm tiền qua (i) kênh ngân hàng – gọi tắt là chính sách tiền tệ – hoặc qua (ii) bộ tài chính – gọi tắt là chính sách tài khóa. Hoặc cả hai kênh cùng lúc. Cách bơm tiền rất đa dạng. Đối với kênh (i) nó có thể là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng định lượng, mua các tài sản hoặc chứng chỉ ký quỹ v.v. Đối với kênh (ii) thì thường thấy nhất là phát hành trái phiếu – tức là vay nợ bằng giấy tờ có đảm bảo.
Thông thường hai kênh này sẽ độc lập với nhau. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy ngày càng nhiều nước lạm dụng việc dựa vào ngân hàng trung ương để tài trợ cho Bộ Tài chính. Nói cách khác là dùng tiền tệ để tài trợ qua tài khóa. Và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Kể từ năm 2008, các khu vực công đã ban hành mức nợ chưa từng có dưới dạng nợ chính phủ (dư nợ bằng 125% GDP ở Mỹ và 100% ở khu vực đồng euro) hoặc như dự trữ của ngân hàng trung ương, hiện đã tăng lên hơn 30% GDP tại Fed và 60% tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Trong bài viết mang tên “Các khoản nợ công lớn không cần thiết phải đi liền với thống trị về tài khóa”, nhóm tác giả Jean Barthélemy, Eric Mengus, Guillaume Plantin đã chứng minh rằng sự “thống trị tài khóa” có nhiều khả năng là căn nguyên cơ bản của gia tăng lạm phát gần đây ở cả hai bờ Đại Tây dương.
Thống trị tài khóa là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng xảy ra khi các ngân hàng trung ương sử dụng quyền lực tiền tệ của mình để hỗ trợ giá trái phiếu chính phủ và cố định lãi suất ở mức thấp để giảm chi phí trả nợ chính phủ. Cách thức chủ yếu là tăng lạm phát hiện tại để giảm giá trị thực của các khoản nợ quá khứ.
Mặc dù thế giới đã bước qua được chu kỳ 10 năm mà không xuất hiện thêm khủng hoảng tài chính, vẫn có lý do để chúng ta theo dõi chặt chẽ sự vận hành của hệ thống này. Trong đó có ba bài học vẫn còn nguyên tính thời sự: (i) cân đối lợi ích của cả bên gửi và bên vay vốn; (ii) dập tắt hoảng loạn là điều cần làm ngay khi khủng hoảng mới bắt đầu; (iii) chính sách tiền tệ không nên để dẫn dắt bởi chính sách tài khóa.
Mặc dù mỗi nền kinh tế có đặc điểm và vận hành khác nhau, nhưng luôn có quy luật chung. Do vậy tham khảo các bài học thế giới chắc chắn là hữu ích với chúng ta.
Chắc rằng không phải tự nhiên mà trong cuộc gặp với lãnh đạo 70 ngân hàng vào chiều 16/10, Thủ tướng đã nhắc đến việc giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế học nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính.
Nguồn: Báo xây dựng