‘Siết’ tín dụng và trái phiếu, nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM dừng xây dựng
Việc kiểm soát chặt tín dụng và phát hành trái phiếu ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, nhiều dự án phải xây dựng dở dang phải dừng lại.
Doanh nghiệp bất động sản gặp khó
UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố trong quý III/2022.
Trong quý vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai cho chủ đầu tư của 4 dự án, với tổng số 2.144 căn nhà. Cấp phép 2 dự án nhà ở chung cư với tổng số 2.057 căn.
Thị trường nhà ở TP.HCM tiếp tục “vắng bóng” nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khi không có dự án nào trong phân khúc này được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép, đủ điều kiện bán hoặc hoàn thành xây dựng.
Về lượng giao dịch, trong quý III/, TP.HCM có 1.229 giao dịch căn hộ chung cư, 915 nhà ở riêng lẻ và không có giao dịch đất nền.
Thị trường nhà ở TP.HCM tiếp tục vắng bóng nhà cho người thu nhập thấp. |
UBND TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản Thành phố trong quý vừa qua phát triển nhưng chưa ổn định, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung – cầu, do hiện đang có xu thế lệch về phân khúc bất động sản cao cấp.
Trong khi đó, tình hình kinh kế có nhiều diễn biến khó lường, việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gân đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại.
Theo UBND TP.HCM, thị trường bất động sản thành phố chưa có sự ổn định, nguồn cung dự án tăng – giảm không đều, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân cần phải điều chỉnh tăng để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân.
Căn hộ cao cấp đang dẫn dắt thị trường
Đánh giá tình hình chung của thị trường bất động sản thành phố thời gian qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nguồn cung giảm rõ rệt do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh – kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính… điều này dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý, từ đó khan hiếm nguồn cung dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý.
Ngoài ra, thị trường bất động sản thứ cấp thời gian gần đây trở nên ảm đạm do giá bán ở thị trường sơ cấp quá cao. Việc siết tín dụng khiến cho nguồn vốn đầu tư bị nghẽn, thanh khoản thị trường sơ cấp đang chậm.
Mặt khác, người mua nhà đang có tâm lý e ngại khi Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó có nội dung “quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư”.
Phân khúc căn hộ cao cấp đang dẫn dắt thị trường nhà ở TP.HCM. |
Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, nguồn cung căn hộ trong quý III/2022 tại TP.HCM giảm 80% so với quy trước. Hầu hết các dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu cung ứng lượng căn hộ hạn chế ra thị trường. Trung bình 200 sản phẩm/dự án, chủ yếu tập trung ở khu Đông và Nam của thành phố.
Chiếm 76% nguồn cung mới trong quý vừa qua, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn đang dẫn dắt thị trường. Phân khúc căn hộ hạng sang chiếm khoảng 13% thị trường. Phân khúc trung cấp theo ghi nhận chỉ có 1 dự án ở phía Đông mở bán, trong khi đó nhà ở bình dân tiếp tục “biến mất” khỏi thị trường.
Theo đại diện của đơn vị nghiên cứu thị trường này, hiện nhà đầu tư bất động sản đang có xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở các vùng ven hoặc tỉnh thành lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An.
Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ trung cấp ở TP.HCM đang ở mức 60 triệu đồng/m2, tăng 3,4% so với quý trước. Phân khúc căn hộ hạng sang có mức tăng trưởng cao, tăng 9% so với quý trước.
Quý vừa qua, TP.HCM ghi nhận 6.726 căn hộ chào bán thành công, mặc dù tỉ lệ bán giảm 36% so với quý trước do nguồn cung mới không nhiều, số lượng căn bán ra lại tiếp tục vượt gấp 2.4 số lượng căn mở bán. Điều này chứng tỏ nhu cầu mua căn hộ tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều dù mức giá bán không ngừng tăng.
Nguồn: Báo xây dựng