Gia Bình (Bắc Ninh): Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn, định vị nền kinh tế tuần hoàn
Gia Bình (Bắc Ninh): Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn, định vị nền kinh tế tuần hoàn
Từ hiệu quả các mô hình làm điểm, đến nay Gia Bình có 19.636 hộ, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ
Ngay sau Đại hội lần thứ XXII, BCH Đảng bộ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 01- NQ/HU “Về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn huyện”.
Với tinh thần cấp ủy cho chủ trương, chính quyền cho cơ chế, để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, ngay sau đó HĐND, UBND, các tổ chức chính trị xã hội huyện và cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Đưa hiệu quả việc làm trở thành chỉ tiêu đánh giá xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Dù những điều kiện cần cho “chiến dịch” phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã có, song thời gian đầu triển khai cũng chưa hẳn đã “xuôi chèo mát mái”.
Nguyên do thói quen bao đời vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân; cùng với đó là thói quen tiện đâu bỏ đó của người nông dân chưa thay đổi; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước còn hiện hữu, nhiều hộ không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí.
Chưa kể việc phân loại rác phải làm theo tiêu chuẩn mới được nhận hỗ trợ, trong khi trình độ, năng lực của cán bộ thôn, xã hạn chế, cộng với ngại thực hiện các thủ tục liên quan nên nhiều nơi có tâm lý bàn lùi… Kịp thời nắm bắt khó khăn, trở ngại, cả hệ thống chính trị huyện Gia Bình vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân; nhiều đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, gần dân, sát dân làm công tác dân vận.
“Mưa dầm thấm lâu” các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức gần 1.000 buổi tuyên truyền, tập huấn cho hàng trăm nghìn người dân thuộc nhiều tầng lớp từ hội viên Hội Phụ nữ, Nông dân, CCB đến đoàn viên thanh niên, học sinh… UBND huyện hỗ trợ, cấp phát 5.142 thùng rác nhựa hữu cơ cho các địa phương và hỗ trợ hơn 1,517 tỷ đồng cho việc triển khai thực hiện. Khó khăn, trở ngại được tháo gỡ, khí thế phân loại rác dần diễn ra sôi nổi theo thời gian.
Tại 20 thôn, xóm, khu dân cư được lựa chọn thực hiện mô hình điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ đã có gần 4.080 hộ đăng ký. Trong đó, nhiều xã đạt mục tiêu gồm: Quỳnh Phú, Đại Lai, Xuân Lai, Giang Sơn… Đặc biệt xã Giang Sơn là đơn vị vượt mục tiêu Nghị quyết.
Từ hiệu quả các mô hình làm điểm, đến nay Gia Bình có 19.636 hộ, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ (đạt 60,2% tổng số hộ; theo mục tiêu Nghị quyết số 01 là từ 50- 70% hộ thực hiện). Trong đó có 13/14 đơn vị xã đạt mục tiêu, điển hình như xã Giang Sơn có 83% số hộ; xã Cao Đức có 1.340/1743 hộ, xã Vạn Ninh có 1.812/2.260 hộ… số còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Nhờ đó mà lượng rác thải phải thu gom hàng ngày, cũng như thể tích rác sau xử lý, mùi hôi thối, ruồi, muỗi tại tại các điểm tập kết, trung chuyển giảm đáng kể. Còn với 58 điểm tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt của các thôn, địa phương tiếp tục thực hiện xử lý bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO, thể tích rác được xử lý đạt hơn 10.550m3.
Đánh giá việc triển khai Nghị quyết, đại diện lãnh đạo huyện Gia Bình cho biết “Huyện ủy, UBND huyện liên tục chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, thống kê các thôn, khu phố chưa triển khai. Lấy những thôn làm trước tuyên truyền cho thôn làm sau; khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đó.
Ngoài mức ngân sách hỗ trợ, nhiều xã dành kinh phí hỗ trợ thêm các thôn khó khăn. Với khí thế ấy, thành quả thu được trong 2 năm vừa qua là rất khả quan, tuy thời gian thực hiện chịu ảnh hưởng khá lớn từ đại dịch COVID-19. Giờ đây, những tuyến đường quê trải rộng không còn rác thải tạo nên bức tranh quê trù phú, ấm no”.
Dù mỗi xã, thị trấn, thôn, khu dân cư có cách thức triển khai hỗ trợ khác nhau song điều dễ nhận thấy là, hiếm có nghị quyết nào có sự thống nhất cao từ chủ trương lãnh đạo của cấp uỷ đến cơ chế hỗ trợ cụ thể của chính quyền như Nghị quyết 01-NQ/HU.
Thành quả thu được từ sự kết hợp của ý Đảng lòng dân đã vượt xa dự kiến. Song cái được lớn nhất từ một chủ trương hợp lòng dân đó là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp là tiền đề để tương lai không xa, toàn bộ các thôn, khu phố của huyện sẽ triển khai hiệu quả mô hình, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày một khan hiếm, việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng tài nguyên rác quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, giảm tối đa lượng chất thải tại Gia Bình là giải pháp hữu hiệu để tiến tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị