Tiêu chuẩn để phân tích, kiểm tra chất lượng đất trồng

Ủy ban đất và đá của ASTM International (D18) đang đề xuất một tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn phân tích chất dinh dưỡng trong đất trồng bằng cách sử dụng cảm biến siêu kính. Các cảm biến này được sử dụng để thu thập và xử lý thông tin qua phổ điện từ.

Thành viên ASTM – ông Penelope Nagel nói rằng, các nhà nông học, nông dân, nhà cung cấp dịch vụ nông học, phòng thí nghiệm và các công ty phân bón sẽ sử dụng tiêu chuẩn được đề xuất (WK76672) để kiểm tra chất lượng đất. Dữ liệu có thể nhanh chóng cho phép nông dân thực sự thực hành nông nghiệp chính xác vì chi phí thử nghiệm truyền thống là rất đắt đỏ trên quy mô chi tiết, ngoài ra còn mất rất nhiều thời gian. Công nghệ cho phép nông dân thử nghiệm thường xuyên và ở nhiều khu vực hơn để ngăn ngừa lãng phí. Ngoài ra họ có thể tự mình thực hành. 

Ảnh minh họa. 

Ông Nagel – một trong những thành viên phát triển bộ tiêu chuẩn này cho hay: “Tiêu chuẩn sẽ giúp nông dân đưa ra quyết định đầu vào phân bón tốt hơn, giúp thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tiêu chuẩn cũng giúp năng suất cao hơn và giảm chi phí đầu vào, thời gian cho nông dân”.

Liên quan đến tiêu chuẩn đất trồng, tại Việt Nam, nhiều bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng để đảm bảo chất lượng đất trồng, các sản phẩm đầu ra đạt năng suất cao.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5302:2009 về Chất lượng đất – Yêu cầu chung đối với việc phục hồi đất. Tiêu chuẩn này đưa ra yêu cầu chung đối với việc phục hồi đất (hoàn thổ) bị hủy hoại khi khai thác khoáng sản, than bùn, xây dựng công trình tuyến, thăm dò địa chất và các công việc khác. Tiêu chuẩn cũng giới thiệu những yêu cầu chung và yêu cầu đặc biệt đối với việc phục hồi đất đặc biệt cho mục đích nông nghiệp. Tiêu chuẩn cũng được áp dụng khi lập kế hoạch thiết kế và tiến hành các công việc có thể gây ra sự hủy hoại đất và phải phục hồi đất.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8409:2012 về Quy trình đánh giá đất sản xuất nông nghiệp. Tiêu chuẩn này quy định nội dung, phương pháp, các bước tiến hành đánh giá đất đai để thực hiện trong phạm vi đất sản xuất nông nghiệp và đất có khả năng mở rộng sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Ngoài ra, để đánh giá chất lượng các nông sản hữu cơ tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia được xây dựng và nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chính thức có hiệu lực từ 29/12/2017.

Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia nêu trên được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN) cũng như các tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines,… Với tiêu chí vừa đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng phù hợp với hiện trạng canh tác nông nghiệp trong nước.

Bộ tiêu chuẩn đề cập đến các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing… Đồng thời, cũng có các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, chất chế biến,…

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích