Xây dựng thương hiệu “Khu phố cổ Hội An – Nói không với rác thải nhựa dùng một lần”
Xây dựng thương hiệu “Khu phố cổ Hội An – Nói không với rác thải nhựa dùng một lần”
Với mục tiêu giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng đến “Hội An – Điểm đến xanh”, nhiều mô hình thiết thực với sự tham gia của cộng đồng đã được triển khai trên địa bàn thành phố.
Căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Khoa trở thành “cửa tiệm hạnh phúc” của 9 thành viên CLB Phụ nữ khuyết tật phường Cẩm Nam (TP.Hội An). Tại đây, các chị cùng nhau tái chế một số loại rác thải nhựa, những tấm vải thừa, túi ny lon, poster đã qua sử dụng thành những sản phẩm như túi xách, khẩu trang, bì đựng hồ sơ,… để bán.
Mô hình tái chế rác nhựa này được Câu lạc bộ Vì môi trường Hội An phối hợp với Hội LHPN phường Cẩm Nam triển khai thực hiện. Chị Đinh Thị Mai – Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật phường Cẩm Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi tham gia mô hình này vì được gặp gỡ, chia sẻ với nhau cũng như có thêm một khoản thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường”.
Với mục đích huy động sự tham gia của cán bộ và hội viên hội phụ nữ vào phong trào bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu việc sử dụng túi ny lon và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn thành phố, đầu năm 2022, Hội LHPN TP.Hội An đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub) tổ chức trao tặng mô hình “Ngôi nhà xanh – đồng hành với bạn” cho 54 chi hội phụ nữ trên địa bàn thành phố.
Tính đến ngày 30/9, 54 “ngôi nhà xanh” trên địa bàn TP.Hội An đã thu gom hàng tấn rác thải tái chế như chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, giấy, sắt vụn… Số rác này đã được bán và thu được hơn 137 triệu đồng để trao 427 suất quà, tặng 15 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ khó khăn. Ngoài ra, Hội LHPN TP.Hội An đã ra mắt mô hình Tổ phụ nữ giám sát cộng đồng “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” tại phường Cẩm Phô và Minh An.
Theo Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An: “Năm 2022 là năm cao điểm các cấp hội phụ nữ ở Hội An tập trung cho công tác vệ sinh môi trường. Nhiều mô hình mới đã được triển khai thực hiện phù hợp với địa bàn TP.Hội An, thể hiện tính tiêng phong, gương mẫu của cán bộ hội viên trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Hội An điểm đến du lịch xanh”.
Theo kế hoạch phát triển du lịch xanh Hội An đến năm 2025, thành phố tập trung xây dựng thương hiệu “Khu phố cổ Hội An – Nói không với rác thải nhựa dùng một lần”. Để góp phần đạt được mục tiêu này, TP.Hội An đã triển khai thí điểm mô hình “Đặt cọc – hoàn trả” tại một số doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát trong khu phố cổ.
Theo đó, khi khách hàng đến mua thức uống đựng bằng ly tái sử dụng sẽ trả thêm một khoản tiền đặt cọc. Sau khi sử dụng thức uống, khách hàng đem ly này trả lại cho các cơ sở thì sẽ được hoàn lại số tiền đã đặt cọc.
Hiện mô hình này đã được 5 cơ sở kinh doanh tham gia thực hiện thí điểm gồm trà thảo mộc Mót, cửa hàng cà phê 92 Trần Phú, Café Faifo, cửa hàng cà phê rang xay, nhà hàng Vĩnh Hưng với sự hỗ trợ 700 ly tái sử dụng từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và UBND TP.Hội An.
Bình Hà (t/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị