Thăm nhà Mẹ Tơm
Trong căn nhà tranh vách đất, Mẹ Tơm từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Hai con của Mẹ cũng đi cắt tóc dạo kiếm tiền nuôi cán bộ, làm giao liên, phát báo, rải truyền đơn.
Thăm nhà Mẹ Tơm
Tọa lạc tại làng Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, khu Di tích lịch sử cách mạng Mẹ Tơm nhiều năm qua là một địa chỉ đỏ để người dân, học sinh, các nhà nghiên cứu và du khách thập phương đến tham quan, học tập và tìm hiểu.
Xưa kia, căn nhà của Mẹ Tơm làm bằng vách đất, mái rơm trên mảnh đất Hanh Cù (nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc). Căn nhà ấy hiện nay không còn nữa mà được thay bằng ngôi nhà ngói ba gian khang trang trong khuôn viên rộng khoảng 500m2.
Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, bà sinh năm 1880 và mất năm 1953, quê ở làng Hanh Cù. Sử sách ghi chép, sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) thất bại, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo “Đuổi giặc nước”. Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, phải chuyển sang huyện Hậu Lộc tiếp tục hoạt động, ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình Mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Nhà Mẹ Tơm trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, mỗi thành viên trong gia đình đều là chiến sĩ.
Lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời là ông Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu và các đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ… ở nhà Mẹ Tơm. Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở, móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo “Đuổi giặc nước” in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ.
Từ khi cán bộ đến hoạt động, nhà Mẹ Tơm bề ngoài không có gì thay đổi, tuy nhiên bên trong làn sóng đấu tranh, tình yêu và niềm tin dành cho cách mạng được thổi cuộn. Trong làng có nhà Chánh Tổng hay soi mói nên ông bà Tơm được phân công canh gác cả ngày và đêm, trước và sau nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống của “đại gia đình” nhờ vào sự tảo tần của Mẹ Tơm. Bữa ăn hằng ngày thường là khoai lang, ít cơm với cà muối và tép kho mặn. Trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, chiều về bà hái mang ra chợ bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi bà lại rải khắp nơi.
Hiện, ở nhà Mẹ Tơm còn lưu giữ những bức ảnh kỷ niệm. Trong đó có một số hình ảnh ghi lại lần nhà thơ Tố Hữu về thăm gia đình Mẹ Tơm năm 1961 rồi sáng tác bài thơ “Mẹ Tơm”.
Theo lời kể của ông Vũ Xuân Thoa (cháu đời thứ 4 của Mẹ Tơm), ngày ấy, giác ngộ cách mạng, hai người con trai của Mẹ Tơm là ông Vũ Văn Sồ và ông Vũ Đức Hậu (hai người trong ảnh) cũng từ bỏ nghề chăn trâu thuê để đi cắt tóc dạo lấy tiền nuôi cán bộ, đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, đi phát báo, rải truyền đơn.
Hiện tại khu di tích nhà Mẹ Tơm còn lưu giữ bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành, chiếc rương đựng tiền, gạo và tài liệu hoạt động cách mạng.
Ông Vũ Văn Đỉnh – Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho hay, ngôi nhà Mẹ Tơm được công nhận Di tích lịch sử năm 2010. Những năm gần đây, thân nhân Mẹ Tơm và chính quyền địa phương đã huy động kinh phí hoàn thiện khu Di tích Mẹ Tơm nhằm giáo dục về lịch sử cho học sinh và thu hút du khách đến tham quan.
Phía trước khu di tích lịch sử là phần mộ Mẹ Tơm và các thành viên trong gia đình vừa được cải trang, tu bổ trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2.
“Chúng tôi rất vui mừng khi khu Di tích lịch sử Mẹ Tơm được hoàn thiện để du khách và nhân dân tham quan. Đây là địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử, cách mạng rất tốt đối với mọi người, đặc biệt là các thế hệ học sinh, con em sau này”, ông Đỉnh cho biết thêm.
Nguồn: Báo xây dựng