Xây dựng hạ tầng chất lượng cho xe điện Việt Nam
Tại Việt Nam có khoảng 60.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường (Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường). Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang trở thành các nguồn gây ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng tại các thành phố lớn. Các số liệu chỉ số môi trường thống kê theo dõi gần đây đã chỉ ra mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người ở các thành phố lớn đặc biệt là các giờ cao điểm khi có sự tham gia cùng lúc của các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay xe điện đang trở thành xu hướng thay thế các phương tiện giao thông chạy bằng các nhiên liệu hóa thạch nhằm giải bài toán về ô nhiễm môi trường. Trong quá trình phát triển và phổ biến phương tiện xe điện đòi hỏi phải có một hạ tầng xe điện đồng bộ đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình vận hành và mục đích sử dụng của xe điện.
1. Thực trạng hạ tầng trạm sạc xe điện ở Việt Nam
Hiện trạng các loại xe điện ở Việt Nam chủ yếu là xe đạp điện và xe máy điện. Các loại xe này có công suất sạc thấp. Quá trình sạc cho các thiết bị này được diễn ra chủ yếu tại nhà, sử dụng nguồn điện 220V. Trong thời gian gần đây loại xe buýt điện đã từng bước được áp dụng trong việc vận chuyển hành khách công cộng và dự kiến trong thời gian tới sẽ có sự tham gia ngày càng gia tăng của các loại ô tô điện khác.
Đáp ứng các yêu cầu sử dụng và hoạt động vận hành của các loại xe điện, cấp độ sạc có thể chia thành 3 cấp phổ biến (theo IEA 2018) bao gồm: Cấp 1, lên đến 3,7 kW; Cấp 2: từ 3,7 kW đến 22kW (Bộ sạc chậm): Cấp 3: trên 22kW (Bộ sạc nhanh). Xe ô tô điện bốn chỗ sử dụng các mức sạc với mức sạc tại nhà thường ở mức 3,7 kW đến 7,4 kW, sạc ở nơi công cộng ở mức 11 kW đến 22 kW. Xe tải đô thị nhỏ thường sử dụng bộ sạc lên đến 50kW. Xe buýt có mức sạc cấp 3 với bộ sạc chậm ở 20-50kW và bộ sạc nhanh lên đến 400kW.
Hiện nay hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho trạm sạc chưa đầy đủ và đồng bộ, gây khó khăn cho việc phát triển tổng thể hệ thống trạm sạc. Hệ thống trạm sạc bị hạn chế trong việc sử dụng trạm sạc dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhà cung ứng xe điện, tạo nên sự cạnh tranh không công bằng, lãng phí nguồn lực đầu tư phát triển.
Ảnh minh họa.
2. Hạ tầng xe điện, cơ hội và thách thức
Hạ tầng trạm sạc xe điện phụ thuộc vào các loại phương tiện xe điện đang được sử dụng và quy hoạch sắp tới triển khai, tần suất, lưu lượng hoạt động của phương tiện sẽ quyết định vị trí và quy mô của trạm sạc.
Hạ tầng trạm sạc xe điện được hình thành và xây dựng trong giai đoạn sắp tới có nhiều cơ hội để hỗ trợ phát triển như:
-
Thực hiện và triển khai các cam kết, hành động của chính phủ về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
-
Nhận thức của người dân về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao. Người sử dụng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
-
Thị trường tăng trưởng phương tiện xe điện lớn do số lượng xe điện trên quy mô dân số còn nhỏ.
-
Tốc độ tăng trưởng hòa lưới điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời) bổ sung cho hệ thống điện lưới quốc gia đang ngày càng tăng.
Bên cạnh các cơ hội lớn để phát triển thì vẫn còn các thách thức mà khi xây dựng hạ tầng trạm sạc phải xác định đến gồm:
-
Chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi đầu tư còn dài do số lượng các phương tiện xe điện hiện tại còn ít.
-
Vấn đề đối với nhu cầu phụ tải đối với hệ thống điện lưới quốc gia do mức đòi hỏi công suất tiêu thụ lớn của trạm sạc.
-
Thiếu chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ chính phủ để khuyến khích các nguồn lực xã hội trong phát triển hạ tầng trạm sạc.
-
Thiếu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong an toàn vận hành điện cho trạm sạc.
3. Một số kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện
Cơ sở hạ tầng trạm sạc có vai trò Quyết định trong quá trình phổ biến và phát triển xe điện, nhưng để phát triển một cách đồng bộ và khoa học cần phải thực hiện một số các giải pháp sau:
-
Kinh phí để đầu tư xây dựng trạm sạc rất lớn đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp đặt trạm sạc như các chính sách về thuế, ưu đãi đầu tư, ưu đãi nghiên cứu phát triển sản phẩm và công nghệ, hỗ trợ vay vốn, chính sách ưu đãi về giá bán điện áp dụng cho các trạm sạc.
-
Trạm sạc cần được luật hóa trong chính sách quốc gia thống nhất và đồng bộ như bắt buộc có bãi đỗ xe, trạm sạc dành riêng cho xe điện tại các đường cao tốc, quốc lộ, các khu chung cư, khu dân cư, tòa nhà văn phòng,…
-
Hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về xe điện và trạm sạc xe điện để giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý định hình được cấu hình và các yêu cầu kỹ thuật đối các trạm sạc trong các kế hoạch đầu tư và quản lý kiểm tra giám sát vận hành.
Hạ tầng trạm sạc xe điện đủ mạnh giúp thúc đẩy cho phát triển của các phương tiện xe điện và hỗ trợ dần thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Với các cam kết của chính phủ Việt Nam và nhận thức của người dân về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng sạc điện đang có những cơ hội to lớn để đầu tư phát triển, nhưng bên cạnh đó còn có những thách thức không nhỏ đòi hỏi, trước hết phải xây dựng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của xe điện và trạm sạc để từ đó có cơ sở và đối tượng cụ thể để đề xuất các chính sách khuyến khích hiệu quả, thúc đẩy, phát huy được hết các nguồn lực của xã hội, đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của hạ tầng trạm sạc nói riêng và phổ biến phương tiện xe điện nói riêng.
Trần Thị Kim Huế – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam