Rác thải ứ đọng tại các nhà máy thuỷ điện ở Nghệ An: Chủ đầu tư chậm trễ trong xử lý
Rác thải ứ đọng tại các nhà máy thuỷ điện ở Nghệ An: Chủ đầu tư chậm trễ trong xử lý
Một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) nhiều năm nay xẩy ra tình trạng ứ đọng các loại rác thải như rác thải sinh hoạt, cây cối, xác động vật… trên lòng hồ với khối lượng lớn.
Một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) nhiều năm nay xẩy ra tình trạng ứ đọng các loại rác thải như rác thải sinh hoạt, cây cối, xác động vật… trên lòng hồ với khối lượng lớn. Hiện tượng này đã gây ra ô nhiễm nguồn nước, môi trường xung quanh. Thế nhưng, trách nhiệm của các chủ đập lại khá mờ nhạt, chậm trễ trong xử lý.
Rác “bủa vây” lòng hồ 2 nhà máy thuỷ điện
Sau đợt mưa lụt lớn vừa qua, trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (công suất 320MW – lớn nhất Nghệ An) lại tiếp tục xuất hiện một lượng rác lớn là cỏ, cây cối và nhiều loại rác thải sinh hoạt khác trôi từ thượng nguồn xuống, ứ đọng tại lòng hồ, phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác này chưa được xử lý…
Ngoài ra, lũ cuốn theo nhiều cây gỗ lớn nhỏ đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến một số khu vực hồ thủy điện này như một bãi rác khổng lồ. Một số địa điểm tập trung nhiều rác nhất như đoạn hồ ở xã Mai Sơn (huyện Tương Dương).
Dẫn chúng tôi dọc theo Quốc lộ 16, đoạn qua bản Piếng Mựn, xã Mai Sơn, anh Vi Văn H, cho biết: “Năm nào rác cũng ứ đọng rất nhiều ở lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ kéo dài từ xã Mai Sơn đến Nhôn Mai. Năm 2020, khi đó rác nhiều quá nên thấy đơn vị này có thuê Công ty Môi trường ở dưới Vinh xử lý, trục vớt. Thế nhưng, sau một thời gian mưa lũ thì hiện tượng trên lại tái diễn”.
Theo ghi nhận của PV vào những ngày giữa tháng 10/2022, hiện lượng rác thải đang ứ đọng ở lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ nhiều nhất ở khu vực bản Piếng Mựn. Rác ứ đọng kéo dài kín chiều rộng một đoạn lòng hồ đập với chiều dài đến vài trăm mét. Ngoài ra, đứng ở phía trên cầu Piếng Mựn (cây cầu thuộc Quốc lộ 16 – PV) nhìn xuống 2 bên một nhánh hồ đập này cũng xuất hiện rất nhiều rác thải với đủ chủng loại…
Việc rác thải sinh khối thực vật, xác gia súc, gia cầm và cá loại rác thải sinh hoạt… bị lũ cuốn trôi về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ không chỉ khiến cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong lưu thông mà còn gây ô nhiễm môi trường nước sông Cả khi lượng rác này ngâm nước lâu ngày và phân hủy.
Hiện tượng rác thải “tấn công” lòng hồ thuỷ điện không chỉ xảy ra tại thuỷ điện Bản Vẽ. Mấy năm gần đây, người dân xã Tam Đình, Tam Quang (huyện Tương Dương) cũng nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về hiện tượng rác thải “bủa vây” lòng hồ thuỷ điện Khe Bố đóng trên địa bàn.
Sáng ngày 09/10/2022, khi thấy PV ghi hình rác thải ở lòng hồ thuỷ điện Khe Bố, một người dân tiến đến trò chuyện và cho hay: Mùa mưa, lượng rác từ thượng lưu chảy về dạt vào bờ rất lớn. Nếu như trước đây, phần lớn rác thải này sẽ trôi theo dòng nước. Thế nhưng, từ khi Thủy điện Khe Bố được xây dựng, rác thải bị mắc kẹt lại. Bản Đình Hương, Đình Thắng, Đình Tiến, Đình Phong (xã Tam Đình) nằm cách Thủy điện Khe Bố không xa, cũng vì vậy mà chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo người dân nơi đây, rác lâu ngày không xử lý phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Thấy nguồn nước không đảm bảo nên thời gian gần đây một số bà con trong bản không dám nuôi cá lồng bè vì lo ngại cá chết. Thậm chí, tình trạng ô nhiễm môi trường lòng hồ Khe Bố đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì người dân hay dùng nước này để sinh hoạt.
Để hạn chế rác trôi dạt vào bờ, người dân đã cùng nhau dựng lên hàng rào nổi bằng tre dọc bờ sông. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa bão, “lá chắn” này không có tác dụng.
Anh Lô Văn T, người dân ở gần nhà máy thuỷ điện Khe Bố, cho biết thêm: “Vào những ngày tháng 9/2022, khi có dịp đi vào lòng hồ thuỷ điện này tôi thấy lượng rác thải rất lớn, bủa vây khắp lòng hồ. Đợt lũ vừa rồi thuỷ điện này có xả nước, có lẽ một lượng lớn rác thải đã đi về xuôi nên hôm nay (ngày 09/10/2022 – PV) rác mới ít lại đó…”.
Các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm
Theo UBND xã Tam Đình, tình trạng ô nhiễm môi trường lòng hồ thuỷ điện Khe Bố đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân sinh sống tại các bản Đình Hương, Đình Thắng, Đình Tiến, Đình Phong. Người dân có phản ánh, kiến nghị lên HĐND và UBND huyện nhưng đến nay qua các văn bản “qua lại” thì phía Nhà máy thuỷ điện Khe Bố vẫn đang còn “bình chân như vại”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho hay, hiện tượng rác thải tích tụ về khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố đã xảy ra nhiều năm, đặc biệt sau mỗi mùa mưa bão rác từ thượng nguồn trôi về rất nhiều.
Đảm bảo môi trường lòng hồ là trách nhiệm của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện. Vì vậy, UBND huyện Tương Dương đã công văn gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An đề nghị các nhà máy thuỷ điện. Đặc biệt là nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ và Thủy điện Khe Bố thu dọn, vệ sinh rác thải lòng hồ. Tuy nhiên, mới chỉ có nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ là có triển khai thực hiện nhưng chưa triệt để.
Được biết, ngày 04/9/2021, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 6513/UBND-CN yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện nghiêm túc, khẩn trương trai khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn Công văn số 854/UBND-NN ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh về việc thu dọn rác lòng hồ thủy điện.
Ngày 10/9/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cũng có văn bản đề nghị nhà máy Thủy điện Khe Bố và một số nhà máy khác trên địa bàn huyện Tương Dương như Bản Ang, Xóong Con, Nậm Nơn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng rác trôi nổi trong toàn bộ khu vực lòng hồ.
Trường hợp có hiện tượng dồn ứ, ách tắc dòng chảy gây mất an toàn giao thông đường thủy, suy giảm chất lượng nguồn nước và ảnh hưởng sinh hoạt người dân phải triển khai vệ sinh, thu dọn kịp thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10/2021 để theo dõi, giám sát.
Tuy nhiên, trong văn bản số 1376/VNPD-KT, ngày 15/9/2021 của Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam (chủ đầu tư thuỷ điện Khe Bố) gửi Sở TN&MT tỉnh Nghệ An và UBND huyện Tương Dương thì về “cơ bản” đơn vị này cũng đã có “quan tâm” vớt rác, xử lý làm sạch môi trường lòng hồ?
Văn bản cũng nêu rằng, đơn vị này đã có văn bản liên hệ với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An để mời lập phương án và dự toán chi phí thực hiện công việc vớt rác lòng hồ thuỷ điện Khe Bố. Sau khi liên hệ được thì sẽ thống nhất phương án xử lý vớt rác…
Tuy nhiên, ngày 14/10/2022, khi liên hệ với ông Phú Văn Phượng – Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thì được biết, đơn vị này mới chỉ 1 lần duy nhất được nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ thuê thực hiện việc xử lý vớt rác ở lòng hồ này vào cách đây khoảng 2 năm. Còn Nhà máy thuỷ điện Khe Bố thì chưa bao giờ.
Qua lời khẳng định của lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thì những “dự định” trong văn bản số 1376/VNPD-KT, ngày 15/9/2021 của Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam trải qua hơn 1 năm nhưng vẫn chỉ là… “dự định”. Rác thải vẫn tràn ngập lòng hồ thuỷ điện Khe Bố.
Liên quan đến vấn đề tồn đọng, ô nhiễm rác thải tại các lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ và Khe Bố, một lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết, khi nắm được thông tin sẽ kiểm tra sự việc và yêu các các bên có trách nhiệm nhanh chóng xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Năm 2018, Báo TN&MT đã từng có bài “Nghệ An: Đùn đẩy trách nhiệm vệ sinh rác lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ”. Nội dung bài báo phản ánh rằng: Sở TN&MT Nghệ An có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP thủy điện Bản Vẽ phải thực hiện thu dọn sinh khối thực vật khu vực lòng hồ và các biện pháp công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản này, phía Công ty CP thủy điện Bản Vẽ đã có văn bản số 410/TĐBV-P4 gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở TN&MT với nội dung việc thu dọn sinh khối, thực vật trôi nổi vùng lòng hồ không phải trách nhiệm của Công ty CP thủy điện Bản Vẽ. Quan điểm nêu trên của chủ đầu tư đã gây nên một cuộc “tranh cãi” vào thời điểm đó.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị