Thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí tại Thái Nguyên
(Xây dựng) – Ngày 14/10, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí với sự tham gia của lãnh đạo cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tuân thủ nghiêm quy định của Luật Báo chí năm 2016. |
Đánh giá chung cho thấy: Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí, cơ quan hoạt động có tính chất báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ những người làm báo trên địa bàn hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trong hoạt động báo chí.
Ngay sau khi Luật Báo chí năm 2016 được ban hành; Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật để các cơ quan báo chí phát triển với tất cả các loại hình, tạo thuận lợi cho người dân, công chúng được tiếp cận với thông tin kinh tế, xã hội, an ninh, sự kiện thời sự, các vấn đề diễn ra trên thực tế một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi, tạo sự đồng thuận, thúc đẩy phát triển, tiến bộ, công bằng xã hội.
Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn đã tuân thủ nghiêm quy định của Luật Báo chí năm 2016. Hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; nộp lưu chiểu báo chí và thực hiện việc xét, đề nghị cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo theo đúng quy định.
Tuy nhiên, qua quá trình 5 năm thực hiện cũng chỉ rõ từ thực tiễn, Luật Báo chí chưa bao phủ hết sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm báo, công nghệ thông tin. Có hiện tượng nhiều tờ báo, nhất là tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin điện tử tồn tại từ lâu chưa được xử lý dứt điểm.
Thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều tòa soạn khó khăn về kinh phí hoạt động, một số phóng viên thường trú bị khoán nguồn thu nên gây áp lực ký hợp đồng tuyên truyền, tài trợ làm nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bức xúc, bất bình, uy tín nghề nghiệp, báo chí bị ảnh hưởng.
Một số nhà báo, phóng viên lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp gây phiền hà, nhũng nhiễu, thông tin sai sự thật với động cơ cá nhân bị cơ quan, doanh nghiệp phản ứng, Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi.
Quyền tiếp cận thông tin của báo chí có nơi, có lúc chưa được đáp ứng kịp thời; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho phóng viên, nhà báo, dẫn đến thông tin của báo chí bị sai lệch, không đầy đủ, thiếu khách quan.
Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chưa được phân định rõ ràng, làm hạn chế công tác quản lý, xử lý vi phạm; chưa có quy định để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí…
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Vũ Duy Hoàng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, khách quan các ý kiến đánh giá; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp hơn với thực tiễn; Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của Luật Báo chí.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng yêu cầu các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, nhanh chóng phản hồi thông tin của báo chí; xử lý nghiêm báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc và cơ quan, đơn vị không cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định.
Nguồn: Báo xây dựng