Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người

(Xây dựng) – Ngày 11/10, Viện Kiến trúc Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VILANDCO tổ chức Hội thảo “Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 do Bộ Xây dựng phát động.

kien tao moi truong song xanh va thong minh cho con nguoi
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cho biết, Việt Nam mới bắt đầu từ con số không trong mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trên cả nước vào năm 2050.

Việt Nam bắt đầu hoàn toàn từ con số 0

Hội thảo “Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người” có sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc Quốc gia, các nhà khoa học, các nhà tư vấn thiết kế, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng công trình xanh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh đánh giá cao việc Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Hội thảo hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo môi trường sống xanh và thông minh cho con người”. Đây là một nội dung rất cụ thể và thiết thực.

Nhân dịp này, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh đã chia sẻ bức tranh tổng thể trong phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam và thế giới, nhấn mạnh vào các tác động, nội hàm và mục tiêu được thể hiện rất cụ thể, đặc biệt là các văn bản pháp quy ở cấp Chính phủ.

Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa khoản 4 Điều 10, trong đó đưa ra nguyên tắc về công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, khẳng định bước tiến rõ nét trong phát triển công trình xanh: “Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng; Hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; Phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thịnh đánh giá, thế giới đã tiến đến công trình phát thải thấp, công trình cân bằng năng lượng và hiện nay là công trình phát thải ròng bằng “0”. Trong khi đó, Việt Nam chưa có công trình phát thải ròng bằng “0” và đang phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0” trên cả quốc gia. Nhưng nếu cả quốc gia đạt phát thải ròng bằng “0” thì mỗi tế bào, mỗi bộ phận của quốc gia phải đạt được phát thải ròng, trong khi Việt Nam mới bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có định nghĩa về phát thải ròng bằng “0”. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức, đơn giá cũng chưa có. Do đó, việc thực hiện càng trở nên khó khăn hơn và cần thiết có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Việt Nam phải có chính sách ưu đãi rõ nét để phát triển công trình xanh

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc Quốc gia Vũ Đình Thành nhấn mạnh: Chính phủ và ngành Xây dựng đã ban hành các chủ trương, chính sách lớn để thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường.

Tại các quốc gia có sự phát triển mạnh về công trình xanh đều có sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của tất cả các bên liên quan, bao gồm: cơ quan Nhà nước, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp đầu tư và người dân.

Trong những năm qua, Viện Kiến trúc Quốc gia là một trong những đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã rất tích cực thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc nghiên cứu, tham vấn chuyên môn về lĩnh vực phát triển công trình xanh.

Viện đã và đang thực hiện các đề tài nghiên cứu như nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, hướng dẫn đánh giá, công nhận dự án khu đô thị xanh; nghiên cứu hoàn thiện công cụ đánh giá – công nhận khu đô thị xanh tại Việt Nam… Ngoài ra, Viện còn tổ chức nhiều Hội thảo khoa học trao đổi, chia sẻ các ý kiến đóng góp về xây dựng cơ chế, chính sách và thúc đẩy phát triển công trình tại Việt Nam.

Tại Hội thảo lần này, bà Nguyễn Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Đào tạo và hợp tác quốc tế Viện Kiến trúc Quốc gia đã chia sẻ kết quả xây dựng công trình xanh của một số quốc gia trong khu vực, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

kien tao moi truong song xanh va thong minh cho con nguoi
Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Vũ Đình Thành nhấn mạnh, Chính phủ và ngành Xây dựng đã ban hành các chủ trương, chính sách lớn để thúc đẩy một ngành Xây dựng xanh hơn.

Theo đó, 10 năm trước, Singapore chỉ đặt mục tiêu 80% công trình đạt chứng nhận xanh vào năm 2030. Nhưng đến nay, quốc gia này đã có hơn 4.000 công trình xanh được cấp chứng nhận và họ đang có nhiều mục tiêu khác xanh hơn. Tương tự, Malaysia và Thái Lan cũng đạt khoảng 400 – 500 công trình xanh trong 10 năm qua.

Để đạt được kết quả này, mỗi quốc gia đều quy định những chính sách mang tính khuyến khích, hoặc các điều kiện bắt buộc liên quan đến chính sách thuế, giấy phép xây dựng để nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, người sử dụng công trình xanh.

Bà Nguyễn Thùy Dung đặt ra vấn đề về chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh và khẳng định: So với công trình xây dựng thông thường, chi phí cho công trình xanh không quá vượt trội.

Cụ thể, để đạt chứng chỉ VGBC hạng cao nhất tại Việt Nam cũng chỉ chênh tầm 10%, đối với các chứng nhận khác là dưới 10%. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và phát triển công trình xanh vẫn cần những chính sách sách rõ nét hơn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi.

Trong vai trò là đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư đạt chứng nhận công trình xanh, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Đất Việt (VILANDCO) Nguyễn Trung Kiên đã chia sẻ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tiện nghi, hiệu suất lao động… có những bước tiến trong chứng nhận công trình xanh.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các yếu tố năng lượng, môi trường… Trong thời gian tới, các nhà đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế sẽ phải quan tâm hơn đến những vấn đề liên quan đến con người như sức khỏe và tiện nghi vì người sử dụng dành đến 93% thời gian hoạt động trong công trình.

kien tao moi truong song xanh va thong minh cho con nguoi
Phó trưởng Phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế Viện Kiến trúc Quốc gia Nguyễn Thùy Dung khẳng định, việc đầu tư xây dựng và phát triển công trình xanh cần có những chính sách rõ nét hơn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi.

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ các nội dung về thiết kế kiến trúc sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường; thiết kế nội thất phù hợp với xu hướng nhà thông minh; công nghệ xử lý khí cho tòa nhà nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống và sức khỏe cho người sử dụng.

Trong chương trình Hội thảo, Ban tổ chức cũng sắp xếp cho các đại biểu tham quan 2 dự án được chứng nhận Công trình xanh, giới thiệu về hệ thống đánh giá LEED, LOTUS Small Interior và cập nhật các giải pháp về vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường cho các công trình xanh hiện nay tại Việt Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích