4 địa điểm mất danh hiệu Di sản Thế giới
Thành phố cảng Liverpool (Anh) trở thành địa danh thứ 3 bị loại khỏi danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Ngoài ra, một địa điểm khác cũng bị hủy công nhận một phần.
Danh sách Di sản Thế giới lần đầu tiên được công bố vào năm 1978. Đến nay, UNESCO đã công nhận 1.154 di sản tại 167 quốc gia. Các địa điểm mới được ghi danh thêm vào mỗi năm, trở thành di sản toàn cầu và thu hút du khách khám phá.
Tuy nhiên, 52 địa điểm đang bị đe dọa. Những nơi này có nguy cơ bị phá hủy hoặc hủy hoại nghiêm trọng bởi chiến tranh, thiên tai, biến đổi khí hậu, du lịch… Đặc biệt, trong lịch sử của danh sách Di sản Thế giới, 3 địa điểm đã bị xóa bỏ danh hiệu và một di sản bị hủy tư cách một phần.
Thành phố cảng Liverpool – Anh
Liverpool là Di sản Thế giới mới nhất bị mất danh hiệu. Là một trong những cảng quan trọng của thế giới trong thế kỷ 18-19, các bến cảng của Liverpool đã giành được danh hiệu của UNESCO vào năm 2004. Không chỉ cảng được công nhận, toàn bộ trung tâm thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử cũng là một phần của Di sản Thế giới.
Bến tàu tại thành phố Liverpool. Ảnh: NMBear. |
Tuy nhiên, chưa đầy một thập kỷ sau, vào năm 2012, dự án Liverpool Waters đã khiến thành phố cảng bị đưa vào danh sách nguy cấp của UNESCO. Mục tiêu của Liverpool Waters là hiện đại hóa các bến cảng. Dự án thúc đẩy một loạt phát triển mới, bao gồm xây dựng các tổ hợp căn hộ, khách sạn và văn phòng. Tất cả đều bị UNESCO xác nhận là “phương hại đến tính xác thực và tính toàn vẹn của địa điểm”.
Ngoài ra, sự phát triển góp phần khiến Liverpool bị xóa tên khỏi danh sách Di sản Thế giới còn bao gồm dự án sân vận động bóng đá mới của Everton FC được đề xuất ở bến tàu Bramley-Moore.
Ngày 21/7, Liverpool chính thức bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản Thế giới.
Thánh địa Oryx Ả Rập – Oman
Trong số 4 loài linh dương thuộc giống oryx, 3 loài có nguồn gốc từ các vùng khô hạn ở châu Phi và một loài tại sa mạc và đồi ven biển của bán đảo Ả Rập.
Oryx Ả Rập được phân loại là tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 1972 do nạn săn trộm và suy thoái môi trường sống. Tuy nhiên, loài này đã được nhân giống thành công trong điều kiện nuôi nhốt ở Mỹ và được đưa trở lại vùng hoang dã Oman một thập kỷ sau đó.
Quốc vương Sultan Qaboos bin Said đã thành lập khu bảo tồn Oryx Ả Rập vào năm 1982 để khôi phục quần thể linh dương ở Oman. Năm 1994, nơi đây được ghi nhận là Di sản Thế giới. Cùng với hàng trăm con oryx (số lượng được thống kê vào năm 1996 là 450 con), khu bảo tồn thiên nhiên cũng có sói Ả Rập, linh dương Ả Rập, chó săn houbara có nguy cơ tuyệt chủng và các loài quan trọng khác.
Oryx Ả Rập trên sa mạc. Ảnh: Katiekk. |
Không may mắn, những ngày vinh quang của khu bảo tồn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chính phủ Oman đã cắt giảm tới 90% quy mô khu bảo tồn vào năm 2007 sau khi dầu được phát hiện trong khu vực. Vào thời điểm đó, một phần do nạn săn trộm bùng phát trở lại, số lượng oryx Ả Rập giảm xuống còn vài chục con.
Sau quyết định thu hẹp diện tích khu bảo tồn và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của oryx, Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa ra quyết định khó khăn khi loại bỏ Thánh địa Oryx Ả Rập khỏi danh sách vào tháng 6 năm 2007. Đây là địa điểm đầu tiên bị “tước” danh hiệu.
Thung lũng Dresden Elbe – Đức
Hai năm sau khi Thánh địa Oryx Ả Rập bị hủy niêm yết, thung lũng Elbe, nơi giao thoa văn hóa, lịch sử và sở hữu cảnh quan kiến trúc đặc trưng của châu Âu, cũng bị xóa khỏi danh sách.
Ban đầu, hơn 16 km thung lũng dọc sông Elbe được công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2004, bao gồm cung điện baroque Pillnitz, những cây cầu và xe leo núi có từ thời Cách mạng Công nghiệp cùng các kiến trúc đô thị từ thế kỷ 18-19. Thung lũng cũng được công nhận về phong cảnh và hệ thực vật với những cánh đồng cỏ bạt ngàn, khu vườn rộng lớn hoặc di tích của các hoạt động trồng nho sơ khai.
Mặc dù phần lớn thung lũng bị phá hủy trong trận ném bom Dresden thời Thế chiến 2, các di tích tại đây được khôi phục từ rất lâu trước khi UNESCO công nhận.
Thung lũng Elbe ở Dresden, Đức. Ảnh: Haidamac. |
Nguyên nhân khiến thung lũng Elbe không còn đủ điều kiện để được UNESCO công nhận văn hóa là cây cầu Waldschlösschen bốn làn.
Để giảm bớt tắc nghẽn giao thông, thay vì xây đường hầm theo đề nghị của các quỹ liên bang, Hội đồng thành phố Dresden đã quyết định thực hiện kế hoạch xây dựng cầu bắc qua sông Elbe. Đa số người dân ủng hộ kế hoạch này, bất chấp những cảnh báo cây cầu sẽ làm mất đi hiện trạng được công nhận Di sản Thế giới của thung lũng.
Việc xây dựng cây cầu gây tranh cãi bắt đầu vào năm 2007 và hoàn thành vào năm 2012. Giữa năm 2009, thung lũng Dresden Elbe bị xóa tên khỏi danh sách Di sản Thế giới.
Nhà thờ Bagrati – Georgia
Bên cạnh 3 địa điểm bị UNESCO chính thức hủy bỏ danh hiệu, một di sản đã đánh mất một nửa vị thế là nhà thờ Bagrati và tu viện Gelati gần thành phố Kutaisi, Georgia. Năm 1994, 2 công trình này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, với ý nghĩa là biểu tượng của kiến trúc Georgia và trung tâm của đời sống cộng đồng trong thế kỷ 10-12.
Tuy nhiên, những đợt tu bổ lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính xác thực và giá trị lịch sử của nhà thờ Bagrati khiến thánh địa bị xóa khỏi danh sách vào năm 2017. Trong khi đó, tu viện Gelati, với các cấu trúc được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 17, vẫn là Di sản Thế giới.
Nhà thờ thời Trung cổ Bagrati. Ảnh: Monticello. |
Không như nhà thờ Bagrati, tu viện Gelati hầu như không sửa chữa, thay đổi theo thời gian. Được xây dựng từ thời Đế chế Byzantine, tu viện có mặt đá ở bên ngoài, mái vòm đại diện cho thời kỳ vàng son của kiến trúc Gruzia, bên trong lưu giữ các bức tranh khảm, bích họa và tranh tường phức tạp.
Là một trong những tu viện Chính thống giáo lớn nhất thời Trung cổ, Gelati còn là một học viện. Nơi đây cũng thuộc nhóm địa danh lịch sử được bảo tồn tốt nhất của Georgia.
Bên trong tu viện Gelati. Ảnh: Vladimir Zhoga. |
Nguồn: Báo xây dựng