Thúc đẩy tiêu chuẩn hoá sản phẩm nông nghiệp, tăng cường hội nhập quốc tế
Theo TS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nông sản và thực phẩm phải được sản xuất và kinh doanh theo những phương thức hiện đại, đúng chuẩn mực được cho phép về mặt kỹ thuật hay quản lý. Dù biết rằng thúc đẩy sản lượng và nâng cao năng suất là chiến lược đúng nhằm tăng trưởng GDP nông nghiệp, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng và gia tăng giá trị nông sản sẽ là một chiến lược hợp lý hơn.
Đi kèm với sự ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn và quảng bá cho việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng đó sẽ giúp nông sản Việt Nam có vị thế cao hơn trên thị trường thế giới và cả ở thị trường trong nước. Việc sản xuất theo phương thức và công nghệ hiện đại với tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro trước biến động của thị trường và sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng cho sản xuất nông nghiệp như ISO, GMP, HACCP, VietGap, GlobalGaps… Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào sản xuất còn mang tính phong trào và đối phó khi tư tưởng cho rằng tiêu chuẩn về chất lượng do thị trường các nước đặt ra chỉ là rào cản thương mại còn tồn tại nhiều trong những nhà quản trị và kinh doanh nông sản.
Dù rằng ở một số thị trường trên thế giới, các tiêu chuẩn luôn được điều chỉnh theo hướng khắt khe hơn, một phần để hạn chế việc nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam, nhưng phần lớn thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới đang đòi hỏi nhiều hơn một sự đảm bảo chất lượng theo những tiêu chuẩn tối thiểu.
Trong lĩnh vực kinh doanh nông sản và thực phẩm, các tiêu chuẩn thể hiện ở quy định về hợp đồng mua bán, quy trình xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, phương thức giao dịch thanh toán cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện nay, ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các quy chuẩn VietGAP cho sản xuất nông nghiệp từ năm 2008.
Trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay, chuỗi sản xuất nông sản và thực phẩm sẽ không còn giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà mở rộng cho toàn khu vực với sự chuyên môn hóa dựa trên những ưu thế riêng của mỗi quốc gia, địa phương. Việt Nam cho dù lựa chọn tham gia ở công đoạn nào của chuỗi giá trị, cũng phải xây dựng những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm, tương thích với yêu cầu của thị trường thế giới bao gồm những tiêu chí rõ ràng và đơn giản để người sản xuất và kinh doanh dễ dàng tuân thủ.
Ảnh minh hoạ
Tiêu chuẩn hóa sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong ngành nông nghiệp cũng có thể giúp cho sản xuất nông nghiệp tránh được tác hại của việc áp dụng các công nghệ “hiện đại” chỉ mang tính thương mại hay các công nghệ còn nhiều tranh cãi về hậu quả lâu dài của chúng.
Hiện nay, các sản phẩm giống, vật tư nông nghiệp của công nghệ gene, công nghệ hóa học từ nước ngoài được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng không tuân theo quy định, tiêu chuẩn nào cũng khiến cho người tiêu dùng giảm lòng tin vào khả năng quản lý của cơ quan chức năng ngành nông nghiệp. Việc thông tin về các tiêu chuẩn và sự cần thiết phải áp dụng tiêu chuẩn này cũng nên được hỗ trợ phổ biến rộng rãi đến nông dân dựa theo những phương thức khuyến nông trước đây để gần gũi với họ hơn là việc phổ biến mang tính hành chính, luật hóa.
Với nhận thức chưa đầy đủ của nông dân về các quy chuẩn và tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, sự kết hợp và trợ giúp của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đối với nông dân cần được chú trọng hơn. Các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu có thể xây dựng một hay nhiều mô hình kết hợp ngành dọc dựa trên hệ thống quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị.
Trong các mô hình đó, vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo. Nông sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất giống và sử dụng các yếu tố đầu vào. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể xây dựng những bộ tiêu chuẩn (về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,…) của doanh nghiệp cho từng sản phẩm và đặt hàng một hợp tác xã hoặc nhiều nông dân khác nhau cung cấp trong thời hạn nhiều vụ canh tác.
Ngay từ đầu vụ đầu tiên, doanh nghiệp chế biến sẽ tổ chức tập huấn huấn luyện cho nông dân biết và hiểu rõ các yêu cầu chất lượng của sản phẩm mà doanh nghiệp cần sản xuất để xuất khẩu; đồng thời đưa nhân viên kỹ thuật đến từng mảnh vườn, trại nuôi để hướng dẫn nông dân những kỹ thuật cần thiết, sử dụng vật tư, thức ăn, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, có nguồn gốc để đạt được yêu cầu chất lượng sản phẩm đề ra.
Sau vụ nuôi, các doanh nghiệp sẽ thu mua những nông sản nguyên liệu đã được nuôi theo yêu cầu chất lượng. Những mô hình liên kết này không chỉ đảm bảo đầu ra cho nông dân mà còn đảm bảo nguồn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Hơn nữa, nông sản Việt Nam cũng có thể đáp ứng tốt đòi hỏi về khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, bảo vệ môi trường tự nhiên,… mà các thị trường trên thế giới đang đòi hỏi.
Trong khi phương thức đào tạo theo kiểu tín chỉ như hiện nay ở các trường cao đẳng, đại học Việt Nam làm giảm bớt tính liên ngành trong chương trình đào tạo chuyên ngành, bên cạnh việc nên bổ sung môn đạo đức nghề nghiệp vào các chương trình đào tạo, các tiêu chuẩn được áp dụng cho nông sản và thực phẩm cũng nên được lồng ghép vào nội dung các môn học chính quy cho sinh viên, học sinh các ngành học khác nhau liên quan đến kinh tế, kinh doanh, nông nghiệp và nông thôn để tạo sự biến chuyển rộng rãi hơn trong nhận thức xã hội đối với việc tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh nông sản và thực phẩm.
Tóm lại, việc phát triển theo hướng hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững và chủ động hơn. Từ đó, phát huy tốt hơn vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trước những thay đổi bất thường của môi trường tự nhiên cũng như của kinh tế thế giới.
Bảo Lâm