Có được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất tôn giáo hay không?
Về vấn đề này, Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 159 Luật Đất đai 2013: Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.
Tại Điều 181 Luật Đất đai quy định: sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Ảnh minh họa. |
Có nghĩa, Luật Đất đai chỉ hạn chế việc cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất của cơ sở tôn giáo không bị hạn chế.
Hơn nữa, Luật Đất đai cũng quy định: Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Cơ sở tôn giáo khi được nhà nước giao đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Và, nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Như vậy, mảnh đất trồng cây lâu năm của cơ sở tôn giáo có thể được phép chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật và theo quy định tại địa phương.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất với tổ chức gồm các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo quy định, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất gồm: Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất; Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng); Văn bản thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở; dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản…
Bước 2. Nộp hồ sơ
Tại các địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa hoặc nộp tại trung tâm hành chính công đối với một số tỉnh, thành. Các địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bước 3. Xử lý, giải quyết yêu cầu
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích. Sau đó, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Và trình UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích.
Bước 4. Trả kết quả
Theo quy định, thời gian thực hiện các thủ tục trên không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; thời gian không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.
Trường hợp, cơ quan Nhà nước chậm thực hiện thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện về hành vi chậm trễ đó.