Chứng khoán bị bán tháo về đáy 2 năm
Mặc dù chịu áp lực bán tháo, VN-Index vẫn giữ được mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm khi dòng tiền hỗ trợ đã nhập cuộc quyết liệt hơn.
Thị trường sau nhịp hồi ngắn hôm qua lại tiếp tục xu hướng đi xuống. VN-Index mở cửa sáng 11/10 bắt đầu chìm trong áp lực bán của nhóm vốn hóa lớn và sau đó lan rộng khiến thị trường chìm trong áp lực bán tháo lần nữa.
Chỉ số chính có thời điểm gặp sức ép rất lớn để xuyên thủng mốc 1.000 điểm vào sau 14h và sau đó liên tục giằng co quanh mốc này, bên bán và bên mua cạnh tranh quyết liệt tại cột mốc rất quan trọng.
Kết phiên, VN-Index vẫn lao dốc 36,28 điểm(-3,48%) về mốc 1.006,2 điểm và giữ được ngưỡng hỗ trợ tâm lý. Tuy nhiên áp lực bán dữ dội vẫn khiến chỉ số rơi lại vùng điểm hồi tháng 11/2020, tức rơi về đáy 2 năm.
HNX-Index diễn biến tương tự với áp lực bán tăng dần về cuối ngày, với mức rơi thẳng đứng 11,07 (-4,82%) còn 218,78 điểm. UPCoM-Index giảm 2,73% về 77,95 điểm.
VN-Index chìm trong áp lực bán tháo những vẫn giữ được mốc 1.000 điểm. Đồ thị: TradingView. |
Thị trường nhuộm trong không khí bi quan của nhà đầu tư thể hiện qua sắc đỏ áp đảo, thậm chí sắc xanh lơ (giảm sàn) còn nhiều hơn số mã tăng giá. Cụ thể, toàn sàn có 801 mã giảm giá (trong đó 237 mã giảm sàn) và chỉ có 181 mã tăng giá.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường trước áp lực bán sàn rất lớn. Chẳng hạn TPB của TPBank ngay khi mở cửa đã bán sàn khối lượng lớn, sau đó hồi phục nhưng rồi vẫn bị bán sàn trở lại về cuối ngày.
Nhiều mã ngân hàng khác cũng rơi về sắc xanh lơ như TCB của Techcombank, SHB, STB của Sacombank, MBB, LPB của LienVietPostBank hay các mã ACB, OCB cũng sát giá sàn. Mã đầu ngành VCB của Vietcombank rơi 4,8% vẫn là mã có tác động xấu nhất do tỷ trọng vốn hóa lớn nhất.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Vingroup cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực. VHM của Vinhomes lao dốc 3,9% về 51.800 đồng, VRE của Vincom giảm sàn về 23.650 đồng, trong khi VIC của Vingroup bất ngờ quay trong phiên ATC để còn giảm chỉ 0,3% xuống 60.000 đồng.
Nhóm bất động sản và xây dựng cũng không khá khẩm hơn khi sắc xanh lơ thậm chí còn xuất hiện dày đặc. Không khó để liệt kê những mã giảm sàn như QCG, NBB, DXG, HDC, TCH… hay thậm chí mã lớn như NVL cũng có thời điểm giảm sàn trước khi được kéo trở lại còn giảm 1,8%.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên bán tháo. Nguồn: FireAnt. |
Loạt cổ phiếu bất động sản bị bán tháo. Bảng giá: SSI. |
Với con số đến 237 mã giảm sàn cũng không khó để liệt kê các cổ phiếu có sắc xanh lơ khác. Chẳng hạn nhóm chăn nuôi HAG và DBC, khu công nghiệp có KBC và ITA, đường SBT, thủy sản ANV và CMX, điện có GEG, POW, NT2, dầu khí PVC, PVD, bán lẻ PET…
Các nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng trong không khí bi quan cực độ với chuỗi ngày không thấy đáy. Nhóm Louis vẫn ghi nhận TGG và BII xanh sàn, nhóm FLC Group còn lại cũng giảm sàn, nhóm Apec giảm hết biên độ, họ cổ phiếu DNP hay FIT cũng bị bán mạnh nhất có thể…
Những điểm sáng của thị trường chỉ “le lói” ở một vài mã có lực cầu mạnh. Công ty đầu ngành khí vẫn đóng vai trò tích cực nhất khi GAS vẫn đi lên 0,1% đạt 106.100 đồng. Các mã chăn nuôi BAF, thủy sản VHC hay thép HSG vẫn có được sắc xanh.
Thanh khoản toàn thị trường vẫn không có nhiều khởi sắc với mức thấp, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với phiên đầu tuần.
Diễn biến xấu của thị trường có sự góp phần của khối tự doanh khi bán ròng hơn 650 tỷ đồng trên HoSE. Trong khi đó khối ngoại lại có diễn biến tích cực với việc mua ròng gần 160 tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng