Câu chuyện về người chế tạo “xe rùa” thân thiện với môi trường
Câu chuyện về người chế tạo “xe rùa” thân thiện với môi trường
“Trước thực trạng lốp xe máy cũ bỏ nhiều, chưa có cách xử lý, ông Hùng đã thu gom, tận dụng tái chế làm lốp xe rùa vừa tạo ra sản phẩm tốt lại giảm chi phí, đồng thời góp phần làm sạch môi trường”.
Ngày 11/10, UBND huyện Tân Yên tổ chức buổi Lễ gặp mặt tôn vinh những doanh nhân, doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Trong không khí kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp huyện Tân Yên. Ông Trần Văn Hùng- Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Hùng Thảo đã có những chia sẻ về bản thân và quá trình tạo ra chiếc xe rùa phục vụ thị trường trong nước và thế giới.
Có lẽ khi chế tạo ra chiếc xe rùa đầu tiên để giúp người nông dân vơi bớt sự nặng nhọc, vất vả trong lao động, không nghĩ sẽ có ngày chiếc xe rùa này trở thành sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, được sử dụng rộng rãi khắp cả nước và có mặt trên thị trường Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Âu. Đó là câu chuyện về người đã chế tạo ra chiếc “xe rùa” tận dụng tái chế từ những chiếc lốp xe máy cũ để tạo ra sản phẩm tốt và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Văn Hùng được sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên- là một xã có dân số đông mặt bằng kinh tế thấp, có hơn 95% dân số làm nông nghiệp. Từ khi lớn lên, ông Hùng luôn thấu hiểu được sự lam lũ, vất vả của bà con nông dân một nắng hai sương, chân lấm tay bùn, mà đời sống kinh tế vẫn khó khăn.
Chính vì vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1992, ông Hùng thi đỗ vào khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp I (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Sau khi ra trường, ông Hùng luôn nghĩ mình phải làm một điều gì đó để giúp bản thân phát triển kinh tế trên chính quê hương mình và giúp những người lao động vơi bớt khó khăn, vất vả trong lao động, sản xuất.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Hùng cho biết:” Để trải nghiệm, tôi đã trực tiếp tham gia lao động sản xuất tại quê hương, luôn chú ý quan sát những người lao động ở các ngành nghề khác nhau và thấy rằng cơ bản người lao động đều dùng đôi vai và sức lực của mình như gánh, khuân vác để thực hiện trong quá trình lao động, sản xuất, rất vất vả nhưng hiệu quả không cao. Từ đó, tôi nghĩ mình phải làm ra một sản phẩm mang tính ứng dụng cao, phù hợp với người lao động và có thể giải phóng được sức lao động cho người nông dân, đồng thời tăng năng xuất lao động”.
“Sau một thời gian đi tham quan, học hỏi ở trong nước và qua sách báo, tôi thấy chiếc xe rùa nổi lên là một sản phẩn thiết thực nhất. Nghĩ là làm, tôi đã bắt tay ngay vào nghiên cứu, chế tạo ra chiếc xe rùa, sau nhiều lần thất bại, nhưng thất bại là bài học để tôi trưởng thành, cộng với lòng đam mê nghề cơ khí và những kiến thức đã học ở trường, năm 1999 tôi đã chế tạo thành công chiếc máy để làm ra chiếc xe, tôi đặt tên là “xe rùa”. Ông Hùng chia sẻ thêm
Sau một thời gian bán ra thị trường, sản phẩm xe rùa được người lao động biết đến và đón nhận không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, đây cũng là nguồn động viên tinh thần để ông Hùng say mê sáng tạo cải tiến công nghệ.
Với bản năng nghề nghiệp, quan sát ngoài môi trường có quá nhiều lốp xe máy đã qua sử dụng vứt bỏ. Ông Hùng đã nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn phế thải này để làm bánh xe rùa. Sau một thời gian thử nghiệm, tôi đã chế tạo ra được chiếc máy làm vành để tận dụng được nguồn lốp thải ngoài môi trường. Đồng thời, để sản xuất ra được số lượng nhiều và chất lượng ổn định thì phải có công nghệ và máy móc.
Từ những năm 1999 rất ít người dân Việt Nam biết sử dụng xe rùa nên cũng không có dây truyền sản xuất xe rùa bán trên thị trường nên ông Hùng tự mày mò chế tạo và đến bây giờ có tới 80% máy móc công nghệ trong nhà máy là do chính ông nghiên cứu và chế tạo ra. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng năng xuất, chất lượng, bản thân ông Hùng thường xuyên thay đổi công nghệ như đầu robot hàn và máy làm vành tự động, kết hợp với quản lý chặt chẽ từng khâu, từng công đoạn của người lao động và sản phẩm dầu ra…Từ đó, khi sản phẩm bán ra được khách hàng và người tiêu dùng đánh giá rất cao vì nó đạt được nhiêu tiêu chí như: Chất lượng tốt, giá thành hạ, và ý nghĩa hơn cả là làm sạch được môi trường.
Thật tự hào và vinh dự, năm 2021 sản phẩm xe rùa Hùng Thảo đã được bộ Công thương công nhận là sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp Quốc Gia.
Sau nhiều năm kinh nghiệm đến nay Công ty cơ khí Hùng Thào đã sản xuất được những chiếc xe rùa chất lượng cao đa dạng mẫu mã, đáp ứng dược những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật để xuất sang các thị trường như Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Âu.
Đây là định hướng phát triển của Công ty nhằm tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều bà con tại địa phương. Đến thời điểm hiện tại Công ty có diện tích mặt bằng 16.000m2 đất, 10.000m2 nhà xưởng, số lượng công nhân từ 70 đến 80 người. Lương công nhân ổn định từ 7-12 triệu đồng 1 tháng. Đóng bảo hiểm cho 35 người; doanh thu của năm 2021 chỉ tính riêng mảng xuất khẩu đạt 2 triệu USD và dự tính năm 2022 ước đạt 4 triệu USD.
“Con số 4 triệu USD thực sự còn khiêm tốn nhưng với tôi là cả một quá trình quyết tâm và nhiệt huyết để đưa được sản phẩm xe rùa Việt Nam ra thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với sự phát triển của công ty, bản thân tôi cũng tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào các cuộc vận động do các tổ chức Hội và địa phương phát động” Ông Hùng chia sẻ thêm
Với những suy nghĩ và hành động vì người nông dân, ông Hùng bày tỏ niềm vui khi sản phẩm của mình đã góp phần nhỏ bé thay đôi tập quán lao động sản xuất, giảm gánh nặng cho đôi vai người lao động bao đời nay của người nông dân Việt Nam. Ông Hùng và đội ngũ cán bộ công nhân viên trong Công ty luôn cố gắng phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn thách thức làm ra những sản phẩm có giá trị cao để đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị