Vườn Phượng Hoàng Phú Yên: Bị đề nghị thu hồi, chủ đầu tư “đóng băng” từ khi thành lập
(Xây dựng) – Dự án Khu đô thị cao cấp Vườn Phượng Hoàng Phú Yên đã bị thu hồi. Đây cũng là điều hợp lý khi mà chủ đầu tư IRBLand “đóng băng” hoàn toàn từ ngày thành lập. Trong khi đó, Công ty mẹ của chủ đầu tư lại thua lỗ triền miên.
Phối cảnh dự án Vườn Phượng Hoàng hay tên gọi khác là The Phoenix Garden Phú Yên. |
Dự án Vườn Phượng Hoàng bị đề nghị thu hồi
Ngày 24/8/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng liên quan làm việc với nhà đầu tư về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị cao cấp Vườn Phượng Hoàng (Dự án Vườn Phượng Hoàng).
Dự án Vườn Phượng Hoàng (có tên gọi khác là The Phoenix Garden Phú Yên) do Công ty TNHH bất động sản IRBLand (Công ty IRBLand), thành viên của IRB Holdings làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 16/12/2016.
Dự án có diện tích hơn 77ha với 2 tòa khách sạn cao 25 tầng, 10 tòa chung cư cao 25 tầng; khu liền kề 508 căn nhà cao 5 tầng; khu biệt thự 226 căn nhà cao 4 tầng; khu nhà phố 362 căn; khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Tổng vốn đầu tư của dự án là 5.000 tỷ đồng, được phân kỳ thành nhiều giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn I khoảng 1.250 tỷ đồng.
Năm 2019, dự án được quảng bá rộng rãi và nhận nhiều kỳ vọng. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến từng khẳng định đây là dự án trọng điểm mà tỉnh Phú Yên đang tập trung lãnh đạo và chỉ đạo triển khai nhanh để góp phần đưa thành phố Tuy Hòa lên loại 1 sau năm 2020. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án vẫn là bãi đất hoang.
Chủ nhân thực sự của dự án Vườn Phượng Hoàng
Như đã nói ở trên, Công ty IRBLand là chủ đầu tư của Khu đô thị cao cấp Vườn Phượng Hoàng Phú Yên. IRBLand thành lập ngày 10/1/2018 với người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty là ông Bùi Quốc Hoàn. Ngoài chức vụ tại IRBLand, ông Bùi Quốc Hoàn còn là đại diện cho Công ty Cổ phần Pexim, Công ty cổ phần truyền thông Indochina.
Ở thời điểm mới thành lập, IRBLand có vốn điều lệ 337,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần đầu tư Investcom (đóng góp 37,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 11%) và ông Bùi Quốc Hoàn (đóng góp 300 tỷ đồng, tương ứng 89% vốn công ty).
Tới ngày 12/3/2020, cơ cấu cổ đông IRBLand thay đổi. Ông Bùi Quốc Hoàn giảm mạnh tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 23,889%. Người mới xuất hiện là ông Quản Xuân Dũng với 65%. Công ty Investcom vẫn nắm giữ tỷ lệ 11,111%.
Điều đáng chú ý, Công ty Investcom thành lập ngày 21/3/2005. Tuy nhiên, tới đầu năm 2022, vốn điều lệ của Công ty vẫn chỉ là 37,5 tỷ đồng, đúng bằng phần vốn góp mà Investcom đã góp vào IRBLand. Mãi tới ngày 20/9/2022, vốn điều lệ Investcom mới tăng lên 79 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Investcom cũng là ông Bùi Quốc Hoàn.
Chủ đầu tư “đóng băng”, Công ty “mẹ” lỗ triền miên
Vườn Phượng Hoàng từng được coi là dự án trọng điểm của tỉnh Phú Yên. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được khi chủ đầu tư là IRBLand có vốn điều lệ lên đến 337,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, bất chấp nguồn vốn đăng ký dồi dào, chủ đầu tư IRBLand gần như “đóng băng” khi không hề phát sinh doanh thu kể từ ngày thành lập. Nghĩa là từ năm 2018 đến 2021, công ty IRBLand luôn ghi nhận doanh thu 0 đồng. Trong khi đó, Công ty mẹ IRB Holdings (Công ty cổ phần đầu tư IRB) cũng không khả dĩ hơn là mấy.
IRB Holdings thành lập ngày 22/11/2017 với người đại diện pháp luật là ông Bùi Quốc Hoàn. Công ty có vốn điều lệ lên tới 528 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Bùi Quốc Hoàn (sở hữu 95,5% vốn công ty), Công ty TNHH Công nghiệp cao su Investcom (sở hữu 1,5% vốn) và bà Trịnh Thị Ngọc Chinh (sở hữu 3% vốn).
Thế nhưng, đáng chú ý, tại ngày 31/12/2017, vốn chủ sở hữu IRB Holdings chỉ là… 5,8 triệu đồng, sau đó tăng lên 23,7 tỷ đồng (năm 2018), 29,3 tỷ đồng (năm 2019), 35,1 tỷ đồng (năm 2020) và vọt lên 352 tỷ đồng (năm 2021).
Dù vốn chủ sở hữu biến động mạnh, IRB Holdings vẫn trung thành xu hướng thua lỗ với các khoản lỗ lần lượt là 4,4 triệu đồng (năm 2017), 8,8 tỷ đồng (năm 2018), 6,3 tỷ đồng (năm 2019), 7,3 tỷ đồng (năm 2020) và 9,5 tỷ đồng (năm 2021).
Nguồn: Báo xây dựng