Đảng bộ xã Đa Lộc: Nâng cao vai trò lãnh đạo trong phát triển kinh tế
Thông tin từ Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đa Lộc, địa phương là một trong những nơi sớm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã có thu nhập tốt và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công sở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. |
Hiện nay, xã Đa Lộc đã có 14,51 ha chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp; 4,36 ha sang trang trại chăn nuôi công nghiệp; 16,68 ha mô hình cá lúa và trang trại tổng hợp; 3 ha trồng rau an toàn; cải tạo gần 15 ha vườn tạp để trồng cây ăn quả….
Về chăn nuôi phát triển mạnh, toàn xã đã có 16 trang trại, các trang trại đều đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số lượng gia súc, gia cầm hơn 151.000 con, trong đó đàn trâu, bò bình quân hằng năm 365 con, đàn lợn 5.633 con, đàn gia thủy cầm là 145.580 con. Hàng năm, xã đều thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại cho đàn vật nuôi nên đã hạn chế được dịch bệnh.
Về khai thác, nuôi trồng hải sản cũng phát triển hiệu quả, toàn xã sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 4.608 tấn, đạt 153% kế hoạch, bằng 292,7% cùng kỳ. Có 472,54 ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó: Nuôi nước mặn 209 ha, nuôi nước lợ 234 ha, nuôi nước ngọt 29,54 ha với loại hình nuôi phong phú khi áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, ước đạt 4.608 tấn. Tổng diện tích rừng ngập mặn tại xã đã tăng lên 506,2 ha. Rừng đang được Ban quản lý phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc chăm sóc và bảo vệ tốt. Toàn bộ diện tích rừng đang phát triển ổn định.
Ngoài ra, các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của xã cũng phát triển khá đa dạng. Toàn xã có 330 hộ kinh doanh, dịch vụ, thu nhập bình quân chia theo hộ là 8 triệu đồng/tháng. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động ước đạt 96,96 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô về những kết quả mà xã đã đạt được, ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Đa Lộc ngày càng thay đổi là nhờ vào Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, anh hùng và tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủ động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu; và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp”.
Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc. |
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, kinh tế địa phương phát triển là nhờ vào hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Các trục giao thông chính được bê tông hóa và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất, đi lại trong nhân dân.
Trong thời gian tới, để phát huy thế mạnh của địa phương, xã sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy vai trò của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; huy động tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, tập trung phát triển kinh tế xã hội.
“Cùng với đó, công tác phối kết hợp sẽ được xã chú trọng chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh; chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, nỗ lực phấn đấu, xây dựng Đa Lộc ngày càng trở nên giàu mạnh với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”.
Mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới, một vùng quê kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, người dân sống thân thiện, mến khách”, ông Vũ Văn Đỉnh khẳng định.
Nguồn: Báo lao động thủ đô