Thủ tục bán đấu giá tài sản chặt chẽ hơn

Đấu giá tài sản công ngày càng tăng

Theo Bộ Tư pháp, trong 5 năm thi hành Luật, số cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Thủ tục bán đấu giá tài sản chặt chẽ hơn
Bộ Tư pháp tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Đồng thời, các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến) hoặc có tổ chức đấu giá đã kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trong cùng một cuộc đấu giá. Một số địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến, góp phần tạo nên hệ thống đấu giá công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đi vào vận hành từ ngày 10/4/2020 đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc công khai, minh bạch đấu giá tài sản, được người dân, cơ quan, tổ chức đánh giá cao, đồng thời, là kênh thông tin hữu hiệu để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận trực tiếp, kịp thời các phản ánh, kiến nghị về các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá và có biện pháp xử lý phù hợp. Tính đến ngày 15/6/2022, đã có hơn 20.000 thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hơn 100.000 thông báo về việc đấu giá tài sản được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; gần 200 kiến nghị được phản ánh đến Bộ Tư pháp trong đó tất cả các kiến nghị, phản ánh liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đều đã được nghiên cứu, xử lý.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản đề nghị người có tài sản, Sở Tư pháp các tỉnh, thành xem xét, làm rõ hành vi vi phạm, kịp thời tạm dừng, hủy kết quả nhiều cuộc đấu giá, góp phần phòng tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Bộ Tư pháp cũng ban hành hơn 20 công văn đề nghị các Sở Tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, người có tài sản đã kịp thời dừng cuộc đấu giá, hủy kết quả đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản như vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum, đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ)…

Xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng cho biết, thực tế hoạt động đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản. Một số tổ chức đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Thủ tục bán đấu giá tài sản chặt chẽ hơn
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, các tổ chức đấu giá tài sản đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp. Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thu lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.

Một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, còn có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Vẫn còn tình trạng một số người có tài sản thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn tồn tại, thậm chí có tình trạng một số tổ chức đấu giá tài sản vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, xử lý, kiến nghị hủy kết quả đấu giá nhưng vẫn được người có tài sản lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm…

Trình bày tham luận tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với các ý kiến cho rằng Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trình tự, thủ tục chung về đấu giá tài sản, nhưng Luật cần có điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục đấu giá với từng loại tài sản ở các luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, về mức tiền đặt trước, vẫn quy định không quá 20% mức giá khởi điểm như hiện nay, nhưng trong trường hợp đặc biệt, được quy định mức đặt trước không quá 50% giá khởi điểm, đồng thời phải nêu rõ lý do và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận…

Quy định rõ, chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, sau 5 năm thi hành, Luật đã ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở đồng bộ, hợp lý hơn để tổ chức thi hành đấu giá, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá trưởng thành, lớn mạnh hơn, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả tốt; số vụ đấu giá có giá thành chênh lệch so với giá khởi điểm khá cao, tối đa hóa được lợi ích của người bán đấu giá, nhất là bán tài sản công. Gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã nhờ bán tài sản của mình, chứ không chỉ bán tài sản công…

Thủ tục bán đấu giá tài sản chặt chẽ hơn
Đại biểu dự hội nghị thảo luận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng chỉ ra, hoạt động đấu giá còn nhiều gặp khó khăn, vướng mắc, chưa thật sự hiệu quả, có một số hạn chế yếu kém tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. Ví dụ như hiện tượng đầu gấu, bảo kê, tiêu cực, sân sau, thông đồng dìm giá, trục lợi cá nhân dưới nhiều hình thức… cả về phía người có tài sản đấu giá, đấu giá viên và người có liên quan khác. Đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá phát triển chưa đồng đều, chưa rộng khắp, nhất là ở các vùng khó khăn. Việc tuân thủ pháp luật của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm pháp luật.

Về nguyên nhân, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, pháp luật về đấu giá đã bộc lộ một số bất cập như thiếu một số quy định quan trọng, một số quy định không phù hợp thực tiễn, một số quy định thiếu thống nhất. Ví dụ như quy định về thanh toán tiền đấu giá quyền sử dụng đất còn vênh nhau, Bộ Tài chính quy định nếu chậm thanh toán thì trả lãi, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nếu chậm thanh toán thì hủy… Bên cạnh đó, chế tài chưa đủ mạnh, thanh tra phát hiện ra vi phạm nhưng xử ký không xử lý được, việc áp dụng pháp luật cũng còn khó khăn…

Ghi nhận các ý kiến đề nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh một số nhóm chính sách cần quan tâm là xác định rõ phạm vi áp dụng, mối quan hệ giữa Luật Đấu giá tài sản và các luật khác; quy định rõ, chặt chẽ hợp lý hơn về trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản; xử lý vướng mắc trong hoạt động đấu giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đấu giá tài sản; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm…/.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích