Sở Công Thương TP.HCM đề nghị cho xe chở xăng lưu thông giờ cao điểm
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị cho xe chở xăng lưu thông giờ cao điểm
Sở Công Thương TPHCM đề xuất phương án hỗ trợ vận chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng dầu trên địa bàn thành phố được lưu thông vào giờ cao điểm.
Chiều 10/10, Sở Công Thương TPHCM đã có buổi chia sẻ thông tin về tình hình xăng dầu trên địa bàn thành phố. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hàng loạt cây xăng thông báo hết hàng khiến người dân chật vật xếp hàng mua xăng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố xem xét, có phương án tạm thời hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng dầu trên địa bàn thành phố được lưu thông vào giờ cao điểm, trong khung giờ từ 9h đến 16h và từ 18h đến 22h. Theo đó, hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Thời gian đề xuất hỗ trợ từ ngày 11/10 đến hết ngày 1/11. Sau thời gian trên, Sở Công Thương sẽ đánh giá và đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp.
Theo Sở Công Thương, qua rà soát sơ bộ trên ghi nhận trong ngày 9/10 có 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, vẫn mở bán mặt hàng dầu. Một số cửa hàng chỉ bán cho người dân với mức 20.000-50.000 đồng/xe hoặc duy trì 1-2 trạm bơm do không có hàng để bán.
Nguyên nhân là khó khăn do tình hình chung và một số lý do khách quan khác như ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn tạm thời, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ, chưa cung ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng tại một số thời điểm.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán lẻ tạm ngưng hoạt động do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp thời, đặc biệt vào giờ cao điểm do phương tiện vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong giờ cao điểm.
Trong lúc này, lượng xăng tiêu thụ tại Petrolimex – đơn vị sở hữu 70 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM – tăng cao.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết bình quân mỗi ngày chuỗi này bán ra khoảng 1.400 m3 xăng. Tuy nhiên, ngày 9/10, sản lượng bán tăng lên đến 1.900 m3, dự kiến ngày 10/10 hơn 2.000 m3. Do đó, đêm 9/10 doanh nghiệp đã huy động 80 xe bồn chở xăng cung ứng cho các cửa hàng, tổng sản lượng khoảng 1.600 m3.
Cũng trong ngày 10/10, UBND TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị