Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đưa các giải pháp giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non
(Xây dựng) – Nhằm giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn cháy nổ tại các trường tiểu học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an Thành phố Hà Nội.
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội. |
PV: Thưa ông, xin ông cho biết, thực trạng phòng chống cháy, nổ tại các trường tiểu học, các cơ sở mầm non, đặc biệt là trường mẫu giáo tư thục trên địa bàn Thành phố Hà Nội?
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội: Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn về PCCC tại các trường học luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, bởi đối với các cháu học sinh lớp 1, đặc biệt là độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo rất cần được học tập và vui chơi trong môi trường đảm bảo an toàn về PCCC.
Cũng do các cháu ở độ tuổi này chưa có khả năng, kỹ năng để tự di chuyển, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra nên việc đảm bảo an toàn cháy, nổ rất cần được quan tâm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục nói chung vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC và chưa nhận thức đầy đủ được nguy cơ cũng như hậu quả khi xảy ra cháy, nổ.
PV: Vậy phải chăng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại một số trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố, thưa ông?
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội: Cũng do một số người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến công tác PCCC, chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ cũng như hậu quả khi xảy ra cháy, nổ nên chưa chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn về PCCC, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, dẫn đến khi xây mới hoặc cải tạo công trình, thay đổi mặt bằng, công năng sử dụng, hệ thống PCCC… nhưng không thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Một số trường hợp, người đứng đầu cơ sở cố tình không chấp hành các quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC) nhưng vẫn đưa công trình vào hoạt động.
Nhiều cơ sở mẫu giáo, mầm non được chuyển đổi công năng từ nhà dân hay một phần diện tích kinh doanh thương mại, văn phòng tại các tòa nhà cao tầng… dẫn đến không đảm bảo các yêu cầu về PCCC như: bố trí các lớp, nhóm trẻ tại các tầng cao hơn tầng 3; không đảm bảo về số lượng và quy cách lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, khoảng cách PCCC hay đường giao thông xe chữa cháy không thể tiếp cận khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, nguy cơ phát sinh cháy, nổ tại các trường học còn xuất phát từ sự cố hệ thống điện (quá tải, đấu nối đường dây dẫn điện không đúng quy cách, sử dụng nhiều thiết bị cũ không đảm bảo an toàn điện…), hệ thống cấp gas (LPG) phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú (không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên) hay sự bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường (thắp hương thờ cúng, ngọn lửa trần…).
Nhiều cơ sở mẫu giáo, mầm non được chuyển đổi công năng từ nhà dân hay một phần diện tích kinh doanh thương mại, văn phòng tại các tòa nhà cao tầng… dẫn đến không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. |
PV: Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ tại các trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non, thời gian qua, Công an Thành phố đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội: Nhận thức được tầm quan trọng của tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong công tác PCCC&CNCH, đặc biệt là đối với thầy cô giáo và các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trong thời gian qua, Công an Thành phố đã không ngừng đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung tuyên truyền, điển hình như: Tăng cường tuyên truyền về PCCC&CNCH trực tiếp tại các trường học; tổ chức phát tờ rơi, cẩm nang khuyến cáo, cảnh báo an toàn về PCCC&CNCH đến các thầy, cô giáo và các em học sinh; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần đã thu hút đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh nhiệt tình, hưởng ứng tham gia… Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Công an Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch Kế hoạch số 213/KH-UBND và văn bản triển khai thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để từng bước triển khai đưa kiến thức, kỹ năng an toàn về PCCC vào chương trình giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng sống, phòng ngừa tai nạn trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại trường học…
Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non, cũng cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo, trang bị hệ thống PCCC cho các trường học đảm bảo theo quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành; tổ chức rà soát, đánh giá các điều kiện hoạt động, xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện về PCCC theo quy định của pháp luật.
Một ngôi trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội có lối vào nhỏ, nếu có sự cố cháy nổ xảy ra, xe chữa cháy khó có thể tiếp cận. |
PV: Thưa ông, để công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ tại các trường tiểu học, cơ sở mầm non diễn ra hiệu quả, thời gian tới, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – CATP Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an Thành phố Hà Nội: Trong thời gian tới, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH, Công an Thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, từ đó hướng dẫn, đôn đốc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC&CNCH; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC, đặc biệt là đối với các tồn tại, vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về PCCC.
Cùng với đó, đăng tải công khai danh tính các cơ sở tồn tại, vi phạm về PCCC trên Cổng thông tin của Thành phố và địa phương để chính quyền, người dân biết và giám sát.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng