Thị trường bất động sản kỳ vọng gì sau “nới room” tín dụng
(Xây dựng) – Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế việc nới room tín dụng vừa được cấp thêm không quá nhiều. Do vậy, người dân và doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án đa dạng hóa nguồn vốn ngoài kênh tín dụng ngân hàng có thể thu hút từ các nguồn vốn khác nhau.
NHNN lưu ý tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao hàng đầu thế giới, nên sẽ phải tập trung với ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô. |
Bất động sản cần đa dạng hóa nguồn vốn
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đạt 10,47% so với cuối năm 2021 và đạt 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Một lãnh đạo NHNN cho biết, dự kiến vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 14%, nhưng sẽ điều chỉnh tùy theo diễn biến thực tế.
Dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế, vốn tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát vào bất động sản. NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản tăng hơn 14% so với cuối năm 2021, theo NHNN là cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ năm trước. Hay nói cách khác, tín dụng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống nói riêng và kinh tế nói chung.
Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi đó, từ đầu tháng 10/2022, tỷ lệ cho vay trung, dài hạn của ngân hàng phải giảm từ 37% xuống còn 34% theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-NHNN. Chủ trương điều hành tín dụng của NHNN không cấm tín dụng vào bất động sản, nhưng cần cẩn trọng và có cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng hợp lý để hạn chế rủi ro, đặc biệt trong điều kiện áp lực tín dụng rất lớn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, việc nới room tín dụng vừa được cấp thêm không quá nhiều, trong phần dư địa cho vay được tăng thêm mới đây có khoảng 15 – 20% được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản. Phân khúc nhà ở và khu công nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi bởi khi đó dòng vốn tín dụng, huy động vốn từ trái phiếu, cổ phiếu được thuận lợi hơn.
“Hiện dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 20,6% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, trong đó có 67% gắn với bất động sản nhà ở, 33% bất động sản kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án đa dạng hóa nguồn vốn ngoài kênh tín dụng ngân hàng có thể thu hút từ các nguồn vốn khác nhau như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, thu hút FDI… vì đây là kênh dẫn vốn quan trọng từ thị trường trung, dài hạn cho nền kinh tế” – TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên.
Khó đạt được kỳ vọng
Trong thời gian tới, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tùy từng phân khúc. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ cần thêm thời gian khi du lịch quốc tế mở cửa mạnh mẽ hơn còn phân khúc bất động sản nhà ở, khu công nghiệp sẽ bắt đầu hồi phục bởi khi đó dòng vốn tín dụng, huy động vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, thu hút FDI thuận lợi hơn. Khi nguồn vốn tín dụng hiện nay vẫn thiếu hụt, trái phiếu chưa được cởi trói, thu hút FDI trở thành dòng vốn quan trọng đối với thị trường bất động sản hiện nay.
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng vì rủi ro hơn các phân khúc khác. Hơn nữa, phân khúc bất động sản này thường được huy động từ nguồn vốn nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, mặc dù đã nới room tín dụng tại một số ngân hàng nhưng dư địa cho vay trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khiêm tốn thì khả năng dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ khó đạt được kỳ vọng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đỗ Thăng Long – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Tập đoàn VHS cho rằng, thời gian qua việc NHNN siết tín dụng đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp và chủ đầu tư bất động sản cũng như người mua đầu tư. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Room tín dụng vừa được nới, song do hạn mức hạn chế nên các nhà băng khó mở hầu bao đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản. Chính vì vậy, giải ngân tín dụng vẫn hết sức khó khăn, doanh nghiệp chủ đầu tư vẫn rơi vào cảnh khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Trong bối cảnh đó, lãi suất cũng gây thêm những áp lực nhất định đến kinh doanh đối với những doanh nghiệp làm ăn ổn định trước đây, cũng cần có chính sách tín dụng phù hợp, giúp họ vượt qua khó khăn nhất thời. Đặc biệt, các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này cần được khơi thông dòng vốn và phát triển một cách lành mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng