Muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo về đo lường

Nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được nâng cao, từ đó càng cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động đo lường với sự phát triển của đời sống xã hội.

Ông Trần Qúy Giầu, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, muốn biết chất lượng của sản phẩm đều phải thông qua hoạt động đo, kiểm, thử. Hoạt động này đều phải thực hiện thông qua phương tiện đo, chuẩn đo lường, phương pháp đo và hệ thống đo,… Rõ ràng, muốn đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm phải đảm bảo về đo lường.

 Thử nghiệm viên vận hành thiết bị phá mẫu vi sóng Microwave cho các nền mẫu phức tạp như hương liệu, mỹ phẩm, phân bón. Ảnh: Quatest 3. 

Bên cạnh đó, việc đảm bảo đo lường đối với hàng hóa không chỉ giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin với người tiêu dùng, mà ngay bản thân các doanh nghiệp cũng đạt được nhiều lợi ích thiết thực.

Theo ông Giầu, đối với các doanh nghiệp thuộc “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường thông qua mục tiêu đạt được, có thể kể đến như:

Giúp tiết kiệm vật tư, tài nguyên, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ (Ví dụ: Sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng; khai thác, chế biến, cung cấp xăng, dầu, khí; khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; sản xuất, kinh doanh than, sản xuất, kinh doanh thép; sản xuất, kinh doanh xi măng; dịch vụ Logistics…);

Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; kiểm soát phát thải ra môi trường; ô nhiễm môi trường (Ví dụ: Sản xuất dược phẩm; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón và hợp chất Nitơ; chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; hoạt động quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… );

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế giúp các bác sỹ, nhân viên y tế chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân… Ảnh minh họa.

Góp phần bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (Ví dụ: Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân…);

Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa toàn cầu.

Thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, các kết quả đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích