Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới khó lường, khó dự đoán, các doanh nghiệp đã và đang tận dụng tối đa các dư địa do chính sách mang lại cũng như chủ động thích ứng và ứng phó với khó khăn thách thức do tác động của bối cảnh, tình hình gây ra. Và hơn hết, họ tin tưởng và kỳ vọng về nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho hoạt động doanh nghiệp.

Tại tọa đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” diễn ra sáng nay (8/10) tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, các chính sách của Chính phủ ban hành rất tốt nhưng không phải chính sách nào cũng triển khai được ngay nên doanh nghiệp phải chủ động giải quyết và đối phó với những tình huống như vậy.

Sau đại dịch, cơ hội mở ra rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những cơ hội thị trường mới ở cả trong nước và quốc tế, có những chuỗi cung ứng của nước ngoài vào Việt Nam bị đứt gãy thì chính cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tìm cơ hội và tạo năng lực cho mình, và ở đây cũng cần sự đồng hành của Chính phủ.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Tọa đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó”

Trong nền kinh tế thị trường, yêu cầu đặt ra là phải thông suốt về tài chính tiền tệ, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là nhân lực. Thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp hiện nay là có đủ nhân lực để đáp ứng các đơn hàng, nắm bắt được các cơ hội. Chúng ta cũng phải coi đại dịch vừa qua và giai đoạn phục hồi này là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp bật lên thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Rất nhiều cơ hội đặt ra nhưng cũng không ít thách thức chưa tính đến đó là chúng ta phải có tầm nhìn xa, hướng tới tương lai, khát vọng năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao đúng như nguyện ước của Bác Hồ là “sánh vai các cường quốc năm châu”. Do đó, để chuẩn bị cho hành trang cho mục tiêu lớn như vậy, doanh nghiệp phải tính đến mục tiêu lớn đó, chứ không phải giải quyết khó khăn trước mắt.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp. “Tôi cho rằng bây giờ cái vừa là điểm nghẽn vừa là điểm nóng đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Giai đoạn Covid-19 chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Thời gian qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động theo hướng bất lợi đối với nền kinh tế, các thông điệp và giải pháp của Chính phủ về ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế có ý nghĩa lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC, cho biết, CMC làm việc với các đối tác nước ngoài rất nhiều, trong đó có các đối tác công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những chính sách biến động về kinh tế, tài chính vừa rồi ảnh hưởng khá lớn với Tập đoàn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng. Là tập đoàn công nghệ, khi CMC có giao dịch với đối tác nước ngoài, thì tỉ giá biến động ảnh hưởng rất lớn.

Ông Tùng cho rằng, không chỉ riêng CMC mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỉ giá và nay tỉ giá thay đổi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Và trong ngắn hạn, nếu tỉ giá và lãi suất càng ngày càng cao thì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

“Trong dài hạn, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, khi chúng ta ra các bài toán quyết định đầu tư thì các chỉ số liên quan đến lãi suất hay tỉ giá chúng ta sẽ phải xem xét. Khi chúng ta đưa ra các chỉ số cao thì chúng ta sẽ thấy khả năng đưa ra các quyết định đầu tư khó khăn rất nhiều”, ông Tùng nhận định.

Về thị trường vốn, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank, cho rằng, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp nhất quán để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất. Đó là chính sách trong từng thời điểm, chắc chắn là sẽ có sự linh hoạt, có sự ứng phó của Ngân hàng nhà nước.

“Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết bài toán chi phí tăng, tỉ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… Chúng ta cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ”, bà Diễm nhấn mạnh.

Bà Diễm cũng cho rằng, hiện nay, đối với ngành ngân hàng, điểm nghẽn cần tháo gỡ là phải giải quyết đồng vốn và thủ tục pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vì lĩnh vực này rất hạn chế, nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế sẽ rất khó phát triển. Tiếp theo là hành lang pháp lý đối với công tác chuyển đổi số. Đối với những công ty tài chính, đối với những ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp rất cần những hành lang pháp lý để ổn định trong quá trình phát triển hệ thống.

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh, mỗi đợt là một cao điểm phòng chống dịch. Dịch bệnh đã tác và tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp qua việc trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất; đề ra các định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…

Với tinh thần “cùng đồng cam cộng khổ”, nhất là trong những tháng ngày cao điểm mà đại dịch Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp đã phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo; chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, biến “nguy” thành “cơ” để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích