Không chỉ hại sức khoẻ, hút thuốc lá còn tàn phá môi trường
Không chỉ hại sức khoẻ, hút thuốc lá còn tàn phá môi trường
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà đầu lọc thuốc lá cũng góp phần không nhỏ gây hủy hoại môi trường nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), thuốc lá là tác nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong số đó, 7 triệu người tử vong do hút thuốc trực tiếp và 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ chương trình phòng, chống tác lại thuốc lá quốc gia số người tử vong do thuốc lá hàng năm lên đến 40.000 người.
Đặc biệt với những người đã nhiễm COVID – 19 mà sử dụng thuốc lá thì các biến chứng sẽ nghiêm trọng về sức khoẻ cao hơn những người không hút thuốc.
Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn tiếp diễn tràn lan tại rất nhiều tuyến phố và địa điểm du lịch nổi tiếng mặc cho việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn diễn ra thường xuyên, chế tài về việc xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng đã được ban hành. Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người vô tư phì phèo điếu thuốc tại các địa điểm công cộng.
Dù biết việc hút thuốc tại nơi công cộng bị cấm và có thể bị xử phạt thế nhưng nhiều người vẫn dửng dưng, thờ ơ hút thuốc mọi lúc mọi nơi.
Thực tế là hầu hết trẻ em, phụ nữ và những người không có thói quen sử dụng thuốc lá đều cảm thấy rất khó chịu với mùi thuốc không những thế khói thuốc còn để lại tác hại cho những người hút thuốc thụ động.
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng… và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại.
Hơn nữa, người hút thuốc lá thường vô tư xả đầu lọc và bao thuốc một cách bừa bãi ra môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn; ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 – 7 năm mới phân hủy hết.
Mỗi năm, ước tính có 1,4% diện tích rừng bị tàn phá để lấy gỗ sấy thuốc lá, ngoài ra, gỗ còn được sử dụng để xây lò sấy, làm giấy cuốn thuốc lá và bao bì đựng thuốc lá. Trong quá trình sản xuất thuốc lá nhiều chất thải được thải ra môi trường, bao gồm: dung môi, bùn than, dầu nhựa, giấy và gỗ cũng như các chất thải hóa học độc hại khác. Thuốc lá là cây sử dụng nhiều chất dinh dưỡng trong đất. Không có loại cây nào hấp thu nhiều chất dinh dưỡng trong đất (kali, phốt pho và ni tơ) nhiều như cây thuốc lá, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất ngày càng nhanh do đất bị bạc màu. Trồng cây thuốc lá phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất độc hại có trong thuốc thẩm thấu, tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, đất… Ngoài ra, tàn thuốc lá có thể là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng và hỏa hoạn lớn vì thường cháy lâu, âm ỉ.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Không có mức độ an toàn trong việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, nên để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động thì không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Cũng như Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2012, “Mọi công dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá, cũng như yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá” như: Cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, địa điểm vui chơi, giải trí, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao…
Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá.
Do vậy, chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá là biện pháp hiệu quả để bảo vệ mọi người không tiếp xúc với khói thuốc lá./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị