Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao

Hàng năm, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đều ban hành kế hoạch PBGDPL nhằm định hướng những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác này trên địa bàn Thành phố. Công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL luôn được chú trọng, tăng cường đã giúp cho nhận thức về trách nhiệm trong triển khai công tác PBGDPL được nâng lên, thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp.

Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật
Trường THPT Tây Hồ tuyên truyền pháp luật cho học sinh. Ảnh: HL

Tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL, UBND Thành phố cho biết, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, ngày càng thu hút đông đảo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện theo pháp luật sôi nổi.

Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Từ các hoạt động tuyên truyền pháp luật, đã góp phần hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017 có 428/584 xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn tiếp cận (chiếm tỷ lệ 73,28%); năm 2018 đã có 515/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 88,2%)… và năm 2021 có 557/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 96,2%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ hoà giải thành ở cơ sở tăng, số vụ việc hòa giải giảm, trung bình từ năm 2017 đến nay tỷ lệ hoà giải đạt 83,36 %, tăng gần 2% so với giai đoạn 2014-2016, số vụ việc hoà giải trung bình giai đoạn 2017-2021 (4.365 vụ/năm), giảm khoảng 4.500 vụ việc so với giai đoạn 2014-2016 (8.911vụ /năm)…

Thu hút nhiều tổ chức tham gia PBGDPL

Qua công tác PBGDPL, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 trong các đợt cao điểm, nhất là thời gian thực hiện giãn cách thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn Thành phố tương đối tốt. Đại đa số người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Nhiều phong trào vận động, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch đã được người dân, tổ chức trên địa bàn Thành phố triển khai.

Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật
Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.

Hay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, người dân trên địa bàn Thành phố đã tích cực thực hiện pháp luật về bầu cử, tích cực tham gia hội nghị cử tri, tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử. Tỷ lệ người dân tham gia bầu cử đạt 99,16 %, không có khu vực bỏ phiếu tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 50%…

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL, Hà Nội đã mở rộng, đa dạng hóa các chủ thể tham gia vào công tác PBGDPL như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh… Nhiều mô hình thực hiện xã hội hóa như “Nhóm nòng cốt ở cộng đồng dân cư” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, “Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý” ở xã, phường, thị trấn của Hội Luật gia Thành phố và “Câu lạc bộ pháp luật” của Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã, đang phát huy vai trò tích cực trong tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành cho thành viên, hội viên và nhân dân.

Nhiều mô hình, cách PBGDPL thiết thực

Tuyên truyền pháp luật theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” được nhiều địa phương áp dụng. Báo cáo Đoàn kiểm tra công tác thực hiện Luật PBGDPL Thành phố, ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cho biết, hàng tuần, Đài phát thanh huyện duy trì Chương trình “Giới thiệu pháp luật” vào chủ nhật và phát lại vào ngày thứ 2; hàng ngày dành thời lượng 10 – 15 phút để tuyên truyền các văn bản pháp luật của Trung ương, Thành phố và huyện.

Còn khi phát sinh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, UBND huyện tổ chức tuyên truyền chuyên sâu theo chuyên đề; cử lãnh đạo UBND huyện, trưởng các phòng, ban chuyên môn tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp, tuyên truyền giải thích các quy định của pháp luật để tạo sự đồng thuận.

Từ thực tiễn, nhiều mô hình, cách PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Long Biên cho hay, Phòng đã có nhiều cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả. Ví dụ, để tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, Phòng đề nghị lãnh đạo các Khu công nghiệp đưa các thành viên của Phòng vào các nhóm Zalo của Khu công nghiệp.

Khi có văn bản, chính sách liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động, các thành viên của Phòng sẽ đăng tải lên nhóm. Gần đây nhất, để triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cùng với việc thông tin đầy đủ các văn bản, bà Hương trực tiếp giải đáp các câu hỏi trong nhóm. “Có bất kỳ câu hỏi nào, tôi trả lời luôn, nên khi quận triển khai, người lao động không còn vướng mắc, nên hoàn thiện hồ sơ rất nhanh”, bà Hương cho biết.

Để tuyên truyền các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Long Biên còn thông qua Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội của quận, gửi email đồng loạt cho các doanh nghiệp, rồi thông qua các nhóm Zalo của UBND quận để đăng tải, giúp thông tin dễ dàng đến với người lao động./.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL, thành phố Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi Luật PBGDPL theo hướng mở rộng đối tượng báo cáo viên pháp luật với đội ngũ luật gia, luật sư, người công tác lâu năm trong lĩnh vực pháp luật đã nghỉ hưu; bổ sung trách nhiệm phối hợp của ngành, đoàn thể, trách nhiệm Toà án, Viện kiểm sát trong PBGDPL; quy định thời gian tham gia PBGDPL hàng năm cho đội ngũ các chức danh tư pháp; quy định cấp kinh phí PBGDPL tối thiểu theo đầu người dân… Đồng thời, thành phố Hà Nội kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong PBGDPL; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ PBGDPL, chủ động tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về PBGDPL.
Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích