Chương trình đảm bảo đo lường: Doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò được giao đầu mối, chủ trì triển khai Đề án 996.
Theo đó, một trong các mục tiêu chung của Đề án là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên về kết quả đạt được sau quá trình triển khai Đề án, ông Trần Qúy Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TCĐLCL cho biết, thời gian qua, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó xác định rõ công việc, tiến độ, phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 996;
Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020 về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13187:2020 Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường;
Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”;
Đến nay đã có 51 tỉnh, thành phố, 03 Bộ ban hành kế hoạch triển khai Đề án 996. Một số địa phương đang hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp (như tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 03 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH Xăng dầu Bắc Thái; Hợp tác xã chè Hảo Đạt), tỉnh Bình Định hỗ trợ Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định);
Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về Đề án 996; trong đó, có việc phối hợp với các tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định, Lạng Sơn… tổ chức hội thảo và lồng ghép tuyên truyền hướng dẫn chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Đặc biệt là tổ chức 06 Hội thảo đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tại 3 khu vực Miền Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên, Miền Nam cho trên 500 đại biểu thuộc 382 cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, 6 hội thảo được chia thành 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4/2022 phổ biến cho các đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm ứng dụng/TĐC các tỉnh, TP, đợt 2 vào tháng 8/2022 cho các tổ chức đăng ký, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường;
Ngày 6/4/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng cục TCĐLCL đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường trong sản xuất kinh doanh điện năng giai đoạn đến năm 2030 để thực hiện Đề án 996 về đo lường. Để triển khai MoU này, EVN đã có Công văn số 4728/EVN-KD ngày 23/8/2022 gửi các Tổng Công ty Điện lực để thực hiện: đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về Đề án 996; Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021; Xây dựng mô hình điểm cho doanh nghiệp kinh doanh điện năng, doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo, doanh nghiệp thí nghiệm, kiểm định phương tiện đo áp dụng chương trình đảm bảo đo lường; nghiên cứu phương pháp đo, kiểm định để nâng cao năng suất lao động trong ngành điện lực…
Hiện, đang chuẩn bị phê duyệt Chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thuộc Đề án 996. Triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và mô hình điểm xây dựng áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp nhằm từng bước đạt được mục tiêu đề ra đến 2025 ít nhất bồi dưỡng được 10.000 cán bộ tham gia hoạt động về đo lường và ít nhất 50.000 doanh nghiệp triển khai chương trình đảm bảo đo lường.
“Hi vọng thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Tổng cục TCĐLCL và địa phương, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, xây dựng, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường”, ông Trần Qúy Giầu nhấn mạnh.
Thanh Tùng