An ninh nguồn nước gắn liền với giảm nghèo

An ninh nguồn nước gắn liền với giảm nghèo

MTĐT –  Thứ sáu, 07/10/2022 11:24 (GMT+7)

Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Hiện hữu nguy cơ thiếu nước cho phát triển KT-XH

Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước.

1(2).jpg
Người dân bản Phù Lồng A, xã Pú Nhi (Điện Biên Đông, Điện Biên) dùng thùng để đựng nước sinh hoạt. Ảnh: Hà Thuận

Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.

Cùng với đó, cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt, cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô. Chất lượng môi trường nước đang kém dần đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên… Ở nước ta, thách thức nguồn nước gắn liền với giảm nghèo. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch là 57%, trong khi đó, tỷ lệ này ở thành thị là 89%. Tỷ lệ người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 59%; và tỷ lệ này ở thành phố là 92%. Thống kê cũng cho thấy, nhiều hộ nghèo chưa được sử dụng nước sạch hoặc không có nhà vệ sinh. Điều này đã gây ra những áp lực lên nguồn nước, áp lực này càng trở lên khốc liệt hơn khi dân số tăng cùng với mặt trái của quá trình tăng trưởng kinh tế, biến đối khí hậu,….

Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ gây nên những hiện tượng “bất thường về nước” và nếu như không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng GDP hơn tác động của suy giảm kinh tế: có quá ít nước sẽ dẫn đến tình trạng hạn hán và ngược lại nếu có quá nhiều nước thì lại dẫn đến lũ lụt,…

Bất ổn về nước tăng cao và nước biển dâng sẽ tác động lên nhóm nghèo và dễ tổn thương nhiều hơn các nhóm khác. Và nếu nhiệt độ trung bình thế giới nóng thêm 4 độ thì phương pháp quản lý nguồn nước sẽ phải thay đổi mạnh mới có thể hỗ trợ giảm nghèo và tăng trưởng. Chính vì vậy, các quyết định trong ngành hoặc liên ngành khi đưa ra cần phải cân nhắc đến vấn đề nước và phải dựa trên tiến trình chính trị tốt và đầy đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn tốt và dài hạn.

Điều đó đòi hỏi Việt Nam và thế giới thay đổi cách tiếp cận về nước… Thay vì “coi nước là vấn đề địa phương” như trước đây thì nên “coi nước là vấn đề toàn cầu”; hay trước đây chúng ta thường đề ra các kế hoạch ngành nước theo phương thức “Lên kế hoạch cho trường hợp chuẩn hóa với xác xuất đã biết” thì hiện nay chúng ta cần phải “Lên kế hoạch cho tương lai với thời tiết ngày càng biến động”; và cần phải có nhiều giải pháp thông minh hơn, quyết liệt hơn về hạ tầng, thể chế và thông tin trong ngành nước cũng như quan tâm coi các vấn đề về nước là thách thức liên ngành, liên chức năng.

Làm gì để quản lý nguồn nước tốt hơn?

Các mục tiêu phát triển của các quốc gia và công cuộc giảm nghèo toàn cầu phải được thực hiện dựa trên nguồn nước đảm bảo, phòng tránh được những tác động hủy hoại của lũ lụt, và cân bằng với đòi hỏi về môi trường. Các quốc gia sẽ phải đảm bảo về nước, quản lý tốt hơn những bất ổn hôm nay cũng như biến đổi khí hậu trong tương lai. Điều đó đòi hỏi Việt Nam và thế giới thay đổi cách tiếp cận về nước…

2(1).jpg
Nhiều hộ gia đình ở huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) khắc phục bằng việc bơm nước thải bẩn ở các hệ thống kè chống lũ lên chống hạn cho lúa. Ảnh: Hà Thuận

Thay vì “coi nước là vấn đề địa phương” như trước đây thì nên “coi nước là vấn đề toàn cầu”. Hay trước đây, chúng ta thường đề ra các kế hoạch ngành nước theo phương thức “Lên kế hoạch cho trường hợp chuẩn hóa với xác xuất đã biết” thì hiện nay chúng ta cần phải “Lên kế hoạch cho tương lai với thời tiết ngày càng biến động” và cần phải có nhiều giải pháp thông minh hơn, quyết liệt hơn về hạ tầng, thể chế và thông tin trong ngành nước cũng như quan tâm coi các vấn đề về nước là thách thức liên ngành, liên chức năng.

Phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nước. Các cấp phải chuẩn bị sẵn sàng để cân nhắc bài toán được/mất, đồng thời, phải bảo vệ môi trường và các đối tượng bị thiệt thòi trong đó có người nghèo.

Để phân bổ tối ưu nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh công tác quản lý nguồn nước hiện tại, tập trung vào cung ứng dịch vụ, thay vì chỉ quan tâm đến hạ tầng. Muốn tập trung vào cung ứng dịch vụ, đòi hỏi phải có sự tham gia của bên sử dụng vào công tác quản lý. Ngoài ra, vai trò công trong điều tiết và giám sát tài nguyên nước là rất quan trọng tại Việt Nam, nhưng nếu muốn huy động vốn cho các dự án cấp thiết hiện nay thì cần xem xét nguồn tư nhân, đồng thời đảm bảo dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

3(1).jpg
Nhiều công trình nước sinh hoạt ở Tủa Chùa (Điện Biên) xuống cấp, không phát huy được hiệu quả. Ảnh Hà Thuận

Trước mắt, theo các chuyên gia ngành nước, chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân công trách nhiệm về quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, có việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang được BộTN&MT hoàn thành dự thảo và lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Cùng với việc sửa đổi Luật, cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện quuy hoạch môi trường lưu vực sông; phân vùng xả thải; cấp giấy phép xả thải vào các lưu vực sông; ban hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường.

Cuối cùng phải quy định rõ trách nhiệm giám sát nước thải tại nguồn của cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ nguồn nước. Việc giám sát, kiểm tra nước thải tại nguồn sẽ ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó có những biện pháp cụ thể kịp thời để xử lý.

Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Nếu chỉ xét lượng nước trên lưu vực sông vào mùa khô thì nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, một số khu vực như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thuộc loại khan hiếm nước. Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích