Bình Định: Tìm nguồn nước sạch cho người dân vùng trung du miền núi Hoài Ân
Bình Định: Tìm nguồn nước sạch cho người dân vùng trung du miền núi Hoài Ân
Thời gian qua, những cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung “ăn dầm ở dề”, bám trụ tại xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân để tìm nguồn nước sạch cho bà con vùng trung du miền núi có nước sinh hoạt.
Thời gian qua, những cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) “ăn dầm ở dề”, bám trụ tại xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân để tìm nguồn nước sạch cho bà con vùng trung du miền núi có nước sinh hoạt.
Nhằm tìm kiếm nguồn nước dưới đất để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên toàn quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt điều chỉnh dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.
Đây là dự án sử dụng nguồn vốn Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện, giai đoạn 1 từ năm 2015 đến năm 2020 và giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2023. Phạm vị thực hiện giai đoạn 2 của dự án gồm 25 tỉnh, trong đó có tỉnh Bình Định.
Theo kế hoạch thi công giai đoạn 2 của dự án, năm 2022 và năm 2023, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” tại vùng Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Thời gian thực hiện từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023, công việc thực hiện là khảo sát thực địa nguồn nước dưới đất, đo địa vật lý, khoan địa chất thủy văn, bơm nước thí nghiệm lỗ khoan, quan trắc động thái nước dưới đất, lấy và phân tích mẫu nước trong lỗ khoan.
Hơn một tháng nay, Tổ công tác của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung ăn ở sinh hoạt cùng cán bộ và nhân dân xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân để tìm nguồn nước sạch cho bà con sinh hoạt.
Anh Hoàng Thái Sơn, Tổ trưởng Tổ khoan số 2 của Liên đoàn chia sẻ: Mỗi năm, anh em chúng tôi đi làm ở nhiều vùng của nhiều địa phương khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có lần đi tới vài tháng không được về thăm gia đình. Nhưng tất cả anh em trong tổ đều thấy đây là trách nhiệm và tự hào khi tìm được nguồn nước sạch cung cấp cho bà con.
“Ở Ân Hảo Đông những ngày qua, mưa dông buổi chiều luôn xuất hiện bất chợt, chúng tôi phải khẩn trương bằng mọi cách để sớm tìm ra mạch nước. Dù địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng anh em chúng tôi luôn thấy ấm áp từ sự quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như người dân. Tất cả đều tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, anh Hoàng Thái Sơn nói.
Anh Phan Quốc Hùng, một nhân viên khác trong Tổ khoan số 2 thổ lộ: “Chúng tôi đã khảo sát và thực hiện 3 mũi khoan, may mắn cả 3 mũi đều trúng mạch nước rất mạnh, trong đó có mũi gần khu vực trụ sở UBND xã Ân Hảo Đông phải khoan sâu tới hơn 100m”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã, người dân chưa tiếp cận được hệ thống nước sạch vệ sinh và đây là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương trên con đường chạy “nước rút” đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có tiêu chí nước sạch.
Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm: Theo kế hoạch thi công giai đoạn 2 của dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” năm 2022 và năm 2023 của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, dự án trên sẽ được triển khai tại xã Ân Hảo Đông. Liên đoàn đã cử nhân viên đến khảo sát thực địa nguồn nước dưới đất, đo địa vật lý, khoan địa chất thủy văn, bơm nước thí nghiệm lỗ khoan, quan trắc động nước dưới đất. Đến thời điểm này, tổ khoan đã thực hiện 3 mũi khoan và đều có nước. Tin rằng trong thời gian tới, 2.200 hộ/9.000 nhân khẩu tại xã sẽ có nước sạch vệ sinh để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Được biết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhằm hướng đến khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực. Đồng thời, định hướng cho công tác quản lý, thẩm định, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, dự án có liên quan đến khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch vệ sinh cho người dân vùng cao miền núi và vùng khó khăn
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị