Di sản công nghiệp tại Việt Nam – Tài nguyên cần được nhận diện và khai thác bền vững, sáng tạo
(Xây dựng) – Căn cứ vào quyết định tại Kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, 9 công trình công nghiệp cũ chính thức nhận quyết định di dời khỏi trung tâm thành phố. Mặc dù được đánh giá cao về giá trị văn hóa công nghiệp (lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc), các khu công nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam vẫn thường gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn, kém hấp dẫn do tình trạng kinh tế suy thoái và bị bỏ hoang trong thời gian dài. Trên thực tế, các quốc gia đi đầu về tái thiết di sản đã chứng minh được rằng công trình công nghiệp nắm giữ tiềm năng lớn để tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo, góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực địa phương, đồng thời trở thành nguồn tài nguyên hiệu quả có thể mang lại lợi ích kinh tế nếu được khai thác một cách bền vững, sáng tạo.
Triển lãm “Lộ” tại 282 Workshop, công trình chuyển đổi từ nhà máy mũ cối. |
Tài nguyên chưa được nhận diện và khai thác hợp lý
Tại Việt Nam, tồn tại rất nhiều các cơ sở, nhà máy sản xuất Công nghiệp ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội không thể tái tạo, tuy nhiên, chưa có bất kỳ một công trình nào được công nhận là di sản công nghiệp. Điều này dẫn đến thực tế nhiều công trình bị “xóa sổ” không còn dấu vết khi còn chưa được công nhận giá trị, ví dụ như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội), nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), nhà máy đóng tàu Ba Son (Thành phố Hồ Chí Minh)…. Chính những can thiệp chưa phù hợp này cho thấy di sản công nghiệp tại Việt Nam chưa được nhận diện như một nguồn tài nguyên có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của khu vực.
Trong khi đó, tại Châu Âu, di sản công nghiệp được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững về lãnh thổ, kinh tế, xã hội và đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của Châu Âu. Do vậy, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Châu Âu từ đó cũng được phát triển mạnh mẽ và xoay quanh 03 mục tiêu chính: Hợp tác giữa các nhóm lợi ích đối với văn hóa công nghiệp; Bảo vệ và khai thác di sản công nghiệp; Nâng cao nhận thức tích cực về di sản công nghiệp.
Trong khi nhóm hoạt động hợp tác giữa các nhóm lợi ích đối với văn hóa công nghiệp tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm chuyên gia, chính trị gia, vận động xã hội hướng tới lợi ích chung phát triển các mô hình quản lý, bảo tồn, chuyển đổi di sản công nghiệp; nhóm hoạt động bảo vệ và khai thác di sản công nghiệp và nâng cao nhận thức tích cực về di sản công nghiệp lại tập trung khai thác và tôn vinh các di sản công nghiệp như một nguồn tài nguyên giàu giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc địa phương và có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư. Dựa vào các tài nguyên di sản sẵn có, các khu vực công nghiệp đang nắm giữ những cơ hội độc đáo để phát triển kinh tế như: cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, kiến trúc thiết kế riêng biệt, truyền thống và văn hóa lâu đời của cư dân tại khu công nghiệp… Nói cách khác, ngoài việc bị phá bỏ để xây dựng các khu trung tâm thương mại, khu công nghiệp mới thì di sản công nghiệp cũng có thể được khai thác cho các mục đích bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế đem lại cho nhà đầu tư như nhà văn hóa, bảo tàng, khu phức hợp nghệ thuật…
Khu phức hợp văn hóa Friche La Belle De Mai. |
Một ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi sáng tạo này là khu phức hợp văn hóa Friche La Belle De Mai tái thiết từ nhà máy thuốc lá SEITA, một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất tại Pháp. Từ năm 1991-2000, nhà máy được chuyển đổi thành khu phức hợp văn hóa với không gian công cộng rộng 45.000 m2 bao gồm năm không gian biểu diễn, sân chơi, không gian thể thao, nhà hàng, hiệu sách, 2.400 m2 không gian triển lãm và một tầng mái rộng 8.000 m2. Hiện tại La Friche cung cấp không gian làm việc cho khoảng 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhân viên mỗi ngày. Đây cũng là địa điểm biểu diễn công cộng với 600 đề xuất nghệ thuật công cộng mỗi năm với doanh thu rơi vào khoảng 2 triệu €/năm và thu hút 450.000 du khách/năm.
Hay một ví dụ điển hình khác là Station F – “Vườn ươm” khởi nghiệp lớn nhất thế giới được xây dựng trên nền của nhà ga xe lửa cũ Halle Freyssinet rộng 34.000m2 ở vùng Đông Nam nước Pháp – nơi quy tụ của hơn 1000 doanh nghiệp trên thế giới. Công trình đáp ứng những tiêu chuẩn tiện nghi hiện đại trong khi vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc nguyên bản mang dấu ấn của thời đại công nghiệp hóa với những khối bê tông và container được cải tạo thành các phòng làm việc. Station F cung cấp cho các doanh nghiệp những nguồn lực cần thiết về dịch vụ và không gian làm việc; tạo cơ sở cho sự hợp tác cùng phát triển của các doanh nghiệp; đồng thời biến Paris trở thành điểm hẹn của các start-up thế giới, thu hút vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp tại đất nước này.
“Vườn ươm” khởi nghiệp lớn nhất thế giới Station F. |
Di sản công nghiệp trong bối cảnh hiện tại
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã xuất hiện một vài công trình chuyển đổi thành không gian công cộng và sáng tạo từ các nhà máy sản xuất công nghiệp cũ quy mô nhỏ do các nhà đầu tư tư nhân triển khai. Mặc dù nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng nghệ sĩ, văn hóa và thế hệ trẻ, các công trình vẫn còn rất non trẻ với quy mô nhỏ lẻ, tự phát và còn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, các nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn và hạn chế trong chính sách hỗ trợ, đồng thời thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược, vận hành dự án. Không những vậy, việc xây dựng mô hình kinh tế, hoạch định, thiết kế đảm bảo hiệu quả về tài chính, đồng thời phát huy giá trị văn hóa sáng tạo cũng đang là thách thức lớn đối với các chủ công trình chuyển đổi.
Ngoài việc phải đảm bảo được giá trị văn hóa, kiến trúc, kinh tế, chuyển đổi di sản công nghiệp hiện nay còn phải được lồng ghép trong bối cảnh biến đổi khí hậu khi các công trình chuyển đổi cần phải cân nhắc các yếu tố hiệu năng cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và hạn chế tác động môi trường. Với kinh nghiệm tái thiết di sản lâu năm, một số quốc gia Châu Âu đã rất thành công trong việc khai thác tài nguyên công nghiệp đảm bảo cả 3 yếu tố về bảo tồn giá trị văn hóa, tạo ra lợi ích kinh tế và hướng tới giá trị bền vững.
Điển hình có thể kể đến Bảo tàng trẻ em thế giới ANOHA tại Berlin (Đức) được chuyển đổi từ một chợ hoa cũ. Khi được tái thiết, phần lớn sảnh chợ trước đây được giữ nguyên để giảm thiểu khí thải xây dựng trong khi khoảng đệm môi trường (environmental buffer) của tòa nhà được tích hợp với quạt trần và cửa sổ linh hoạt tạo trao đổi không khí, thông gió tự nhiên, từ đó đảm bảo tiện nghi nhiệt cho người sử dụng. Thêm vào đó, cấu trúc “Nhà trong nhà” độc đáo tạo điểm nhấn cho bảo tàng với căn phòng hình cầu cao bảy mét làm bằng gỗ vân sam trở thành điểm đối trọng với cấu trúc bê tông chắc chắn của hội trường.
Bảo tàng trẻ em thế giới ANOHA tại Berlin (Đức).
Cấu trúc “Nhà trong nhà” tại Bảo tàng trẻ em thế giới ANOHA tại Berlin (Đức).
Hay tại Hà Lan, không gian làm việc Utrecht Community (UCo) cũng được chuyển đổi từ kho để hàng nằm ở thành phố Utrecht theo định hướng văn phòng bền vững, trung hòa năng lượng và tối ưu hóa sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, phần cấu trúc nội thất cũng được phát triển theo hướng tuần hoàn nhất có thể, từ việc sử dụng vật liệu tái chế cho tới hệ thống lọc ánh sáng tự nhiên vào không gian làm việc để cắt giảm ánh sáng nhân tạo. Với xu hướng thiết kế tuần hoàn và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, hiện nay UCo đang là văn phòng làm việc của hơn 150 đơn vị tiên phong khởi nghiệp bền vững hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không gian làm việc chung Utrecht Community (UCo). |
Hướng tới mục tiêu phát triển thành phố sáng tạo và tiến tới thành phố “xanh, thông minh, hiện đại” vào 2030, Hà Nội đang nắm giữ các cơ hội thuận lợi để thực hành thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án tái thiết di sản công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đặt nền tảng cho quá trình tái thiết di sản, Việt Nam cần đổi mới chính sách, chiến lược quy hoạch nhằm đảm bảo cho quá trình chuyển đổi di sản công nghiệp đáp ứng mục tiêu văn hóa, kinh tế và môi trường. Đồng thời, Việt Nam cũng cần học tập, trao đổi với các quốc gia tiên phong để tích lũy các bài học chuyển đổi đi trước, và học tập các mô hình tái thiết, vận hành từ các công trình quốc tế tương quan với bối cảnh địa phương.
Chương trình diễn ra vào ngày 14 -15/10 tại 282 workshop (156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội). |
Trên tinh thần đó, Chương trình “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 – Đổi mới & Bền vững” được tổ chức nhằm đẩy mạnh cơ hội phát triển các dự án tái thiết di sản công nghiệp trong bối cảnh thành phố Hà Nội chính thức quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia đến từ Châu Âu và Việt Nam, chương trình kỳ vọng tăng cường nhận diện các di sản công nghiệp như nguồn tài nguyên góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực, đồng thời tăng cường khả năng thực hành sáng tạo trong bảo tồn, thiết kế và quy hoạch di sản công nghiệp tại Việt Nam.
Chuỗi hội thảo được hỗ trợ tổ chức bởi Quỹ Văn hóa Pháp Đức, Viện Goethe, Viện Pháp, Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán Châu Âu tại Việt Nam (EUNIC), Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Hội đồng Anh Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội bền vững Việt Nam VSSE, Đại học Kiến trúc Hà Nội và 282 Workshop. Chương trình cũng có sự đồng hành đến từ các tổ chức: Vì Một Hà Nội Đáng Sống, Hanoi Ad Hoc và Heritage Space.
Nguồn: Báo xây dựng