Bình chữa cháy xách tay đạt chuẩn phải được dán tem kiểm định, phù hợp với TCVN 7026:2013

Hiện nay, nhu cầu bình chữa cháy xách tay đang được người dân quan tâm để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ. Tuy nhiên, để việc chữa cháy hiệu quả thì ngoài việc phát hiện sớm vụ cháy, còn phụ thuộc vào chất lượng bình chữa cháy có đạt chuẩn hay không…

Bình chữa cháy xách tay CO2 hay còn gọi là bình chữa cháy bằng khí Carbon Dioxite (CO2) thường được dùng để dập các đám cháy thiết bị điện tử, đồ vật quý hoặc thực phẩm, vì khi phun không lưu lại chất chữa cháy (CO2) trên vật cháy nên không làm hư hỏng thêm vật. Bình loại này thích hợp cho các đám cháy buồng, phòng, hầm, nơi kín khuất gió, không hiệu quả với đám cháy ngoài hay nơi thoáng gió vì CO2 khuyếch tán nhanh trong không khí.

Nguyên lý hoạt động của bình chữa cháy xách tay là khi mở van bình, do có sự chênh lệch về áp suất, CO2 lỏng trong bình thoát ra ngoài qua hệ thống ống dẫn và loa phun chuyển thành dạng như tuyết thán khí, lạnh tới – 78,90C. Khi phun vào đám cháy CO2 có tác dụng làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi khí cháy, đồng thời làm lạnh vùng cháy dẫn tới triệt tiêu đám cháy.

Mặc dù bình chữa cháy hiện nay được nhiều gia đình, cơ quan sử dụng nhưng hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại bình chữa cháy xách tay kém chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ cho người sử dụng.

 Bình chữa cháy xách tay đạt chuẩn thì tem kiểm định phải được dán sau khi bình được cơ quan chuyên môn kiểm định. Ảnh minh họa 

Ghi nhận tại TPHCM nhiều năm nay đã xuất hiện tình trạng một số bình chữa cháy tự nổ, xì bọt. Nhiều chủ các cửa hàng thi nhau thanh lý những lô hàng bình chữa cháy cũ, chất lượng kém được tân trang với giá rẻ hơn nhiều so với bình nhập mới từ 150 đến 300.000 đồng. Đối với bình chữa cháy tân trang kém chất lượng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Đặc biệt, khi hỏa hoạn xảy ra, bình chữa cháy tân trang sẽ không phát huy hết tác dụng như bình chữa cháy đạt chuẩn.

Nói tới bình chữa cháy xách tay đạt chuẩn, theo Khoản 5 Điều 38 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC có quy định: “Phương tiện PCCC sản xuất mới trong nước hoặc nhập khẩu phải được kiểm định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo quy định của Bộ Công an”. Như vậy, phương tiện PCCC phải được dán tem kiểm định theo mẫu của Bộ Công an; những loại bình trôi nổi, bình nạp lại bột, khí hoặc tân trang không đảm bảo về mặt chất lượng, an toàn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Một bình chữa cháy đạt chuẩn thì tem kiểm định phải được dán sau khi bình được cơ quan chuyên môn kiểm định. Với một số loại bình, sau khi sử dụng lần đầu vẫn có thể đem đi bảo dưỡng nạp khí, bột để dùng tiếp. Tuy nhiên, theo quy định thì không được cắt ghép, “mông má”; nếu bình cũ thì sơn lại, nhưng không làm mất đi tính chịu lực của bình chữa cháy.

Ngoài ra, theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7026:2013- ISO 7165:2009 quy định, các loại bình chữa cháy xách tay phải được phân loại theo loại chất chữa cháy chứa trong bình.

Hiện nay có các loại bình chữa cháy chủ yếu sau như: Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước (Bình nước chữa cháy); Bình chữa cháy dùng bột chữa cháy (Bình bột chữa cháy); Bình chữa cháy dùng cac bon đioxit (Bình CO2 chữa cháy); Bình chữa cháy dùng chất chữa cháy sạch (Bình khí / lỏng sạch chữa cháy).

Các loại bình chữa cháy này có thể được phân loại nhỏ thêm nữa, ví dụ các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước có thể chứa nước nguyên chất hoặc nước có các chất phụ gia như các chất làm ướt, các chất làm tăng độ nhớt, chất ức chế cháy, các chất tạo bọt, hóa chất làm ẩm vv…Các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước, bao gồm cả chất tạo bọt, có chứa  các loại chất làm dịu có điểm đông đặc khác nhau phải được xem là các mẫu (model) riêng và khác biệt cho thử nghiệm đánh giá đám cháy và thử nghiệm phạm vi nhiệt độ làm việc, độ dẫn điện vv… Tất cả các yêu cầu khác liên quan đến thiết kế và cấu tạo các bình chữa cháy dùng chất chữa cháy gốc nước đều áp dụng được cho tất cả các mẫu bình chữa cháy khác bất kể là dùng chất chữa cháy nào.

Tiêu chuẩn trên cũng quy định về chất chữa cháy gồm cac bonđioxit dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với TCVN 6100 (ISO 5923). Chất chữa cháy sạch dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với phần thích hợp của TCVN 7161 hoặc ISO 14520 hoặc phải theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. 

Bột dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với TCVN 6102 (ISO 7502). Chất tạo bọt đậm đặc dùng trong bình chữa cháy phải phù hợp với phần thích hợp của TCVN 7278 (ISO 7203). Khi chất chữa cháy có độ pH vượt qua 9,5, phải được cảnh báo trên nhãn hiệu của bình chữa

Về khí đẩy, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7026:2013- ISO 7165:2009 cũng quy định khí đẩy nén trực tiếp vào bình chữa cháy hoặc nén vào chai khí đẩy phải là không khí, khí acgon, cac bon đioxit, heli hoặc nitơ hoặc hỗn hợp của các khí này có điểm sương lớn nhất – 55o. Các chất đánh dấu không cháy được có thể được bổ sung vào khí đẩy để dễ dàng phát hiện ra rò rỉ. Tỷ lệ phần trăm của chất đánh dấu phải do nhà sản xuất chỉ định và được kiểm tra với phòng thử nghiệm, trừ trường hợp khí đẩy dùng cho bình chữa cháy có khí đẩy nén trực tiếp dùng chất chữa cháy gốc nước không cần phải đáp ứng điểm sương nêu trên.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích