Người nghỉ hưu trước năm 1995: Dành phần lớn lương hưu để… chữa bệnh, mua thuốc

Người nghỉ hưu trước năm 1995: Dành phần lớn lương hưu để... chữa bệnh, mua thuốc
Người già đi nhận lương hưu. Ảnh: Hải Nguyễn

Tuổi già, bệnh tật và lương hưu thấp

Trước đây, bà Lê Thị Thuỷ (sinh năm 1948, trú tại xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là giáo viên cấp THCS. Sau 26 năm, 6 tháng đứng trên bục giảng, đến năm 1992, do lương thấp, sức khoẻ kém, bà xin nghỉ hưu sớm khi mới 45 tuổi.

Sau nhiều lần điều chỉnh mức lương cơ sở, hiện mức lương hưu bà Thủy được hưởng là hơn 4,8 triệu đồng/tháng. Chồng bà Thuỷ là thương binh, được hưởng chế độ hơn 1 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của bà Thuỷ, nếu hai vợ chồng khoẻ mạnh, không ốm đau thì với tổng thu nhập 5,8 triệu đồng/tháng có thể đảm bảo chi tiêu. Thế nhưng, do tuổi già, nhiều bệnh tật nên số tiền trên không đủ cho ông bà trang trải trong tháng.

Tháng 8.2021, chồng bà Thủy bị bệnh nặng, nằm liệt giường. “Khi chồng còn khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường, tôi còn dành dụm được 1 khoản kha khá. Lúc ông ấy ốm nặng tôi phải dùng hết số tiền này để chữa trị, thuốc thang. Đến giờ, khoản dành dụm đã hết, lương hưu của tôi bây giờ tháng nào hết tháng đó” – bà Thuỷ cho hay.

Theo tính toán của bà Thuỷ, hiện riêng tiền thuốc chữa bệnh cho chồng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Phần lương còn lại, bà chắt chiu cho các khoản: Tiền ăn, tiền đi lại, tiền ma chay, hiếu hỉ…

“Ông ốm, nằm liệt giường; tôi đã 74 tuổi, sức yếu nên không thể làm ruộng để có hạt gạo ăn. Nhà có 5 sào ruộng nhưng phải để cho người khác cấy. Sống ở quê nhưng tôi vẫn phải ra chợ đong gạo. Tôi chỉ có thể trồng một vài loại rau, nuôi con gà để thi thoảng có thêm thực phẩm cho bữa cơm của 2 vợ chồng” – bà Thuỷ nói.

Bà Thủy có 3 người con gái, một đã mất vì ung thư, 2 cô con gái hiện cuộc sống còn nhiều khó khăn nên rất khó để hỗ trợ cho bố mẹ về kinh tế. Ngày mồng 2 hàng tháng, lĩnh lương hưu về, bà Thuỷ phải tính toán chi li từng tí để đảm bảo chi tiêu cho cuộc sống tuổi già của 2 vợ chồng, tránh cảnh “thiếu trước, hụt sau”.

“Lương những người về hưu trước năm 1995 thấp quá. Tôi lại còn về hưu sớm, nên chịu nhiều thiệt thòi. Tôi mong lương hưu của những người như chúng tôi được tăng thêm, được chút nào hay chút đấy để cải thiện cuộc sống vốn gắn liền với bệnh tật, tuổi già” – bà Thuỷ chia sẻ.

Cần tăng lương hưu với tỉ lệ cao hơn

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – cho biết, mặt bằng tiền lương của mỗi thời kỳ khác nhau. Trước đây, mặt bằng tiền lương thấp, chế độ nâng bậc lương bị khống chế. Sau này, mức lương trung bình tăng lên, nâng bậc lương thường xuyên nên tiền lương chênh lệch, dù cùng một chức danh.

“Những người trước đây cũng có nhiều đóng góp, nhưng mặt bằng tiền lương thấp thì sau này lương hưu thấp (theo nguyên tắc đóng hưởng của bảo hiểm xã hội), nên họ cảm thấy thiệt thòi” – ông Huân nói.

Về hướng xử lý, nguyên bộ trưởng cho rằng, khi tăng lương hưu, cần tăng với tỉ lệ cao hơn đối với những người về hưu trước năm 1995, ví dụ, nếu người về hưu hiện tại tăng 5% thì những người về hưu trước năm 1995 tăng 8-10% để bớt sự chênh lệch.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, đối với những người về hưu trước năm 1995, do không tính về số năm đóng bảo hiểm xã hội mà phụ thuộc vào mức lương khi về hưu, nên có khả năng là nhiều người có mức lương hưu quá thấp. Hưu trí phụ thuộc vào số năm tham gia hệ thống; mức lương trước khi về hưu. Vì vậy, những trường hợp này muốn điều chỉnh để vượt qua mức sống tối thiểu thì cần xem xét về số năm tham gia bảo hiểm; nếu không tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì xem số năm công tác, rồi từ đó có sự hỗ trợ điều chỉnh mức lương hưu cho họ, đảm bảo ở góc độ an sinh xã hội.

Theo Bảo Hân/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-nghi-huu-truoc-nam-1995-danh-phan-lon-luong-huu-de-chua-benh-mua-thuoc-1101305.ldo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích