Indonesia kêu gọi nghị viện G20 giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Indonesia kêu gọi nghị viện G20 giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đã kêu gọi nghị viện thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với tác động ngày càng gia tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đã kêu gọi nghị viện thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với tác động ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện G20 (P20) khai mạc ngày 5/10 tại Jakarta, bà Puan cảnh báo các thiên tai như hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc, đồng thời lưu ý rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1 độ C so với mức tiền công nghiệp.
P20 là diễn đàn quy tụ lãnh đạo nghị viện và đại diện người dân các nước G20 nhằm nâng cao vai trò của nghị viện trong việc quản trị toàn cầu và tăng cường hỗ trợ chính trị cho các cam kết quốc tế. Indonesia đang giữ chức Chủ tịch G20 và sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh tất cả các bên cần ý thức được tính cấp bách vì đây là thời điểm hành động để giảm lượng khí thải toàn cầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, thực hiện hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.
Theo bà Puan, thế giới cần phát triển các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu lấy con người làm trọng tâm, bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức và cam kết bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Giai đoạn tiếp theo liên quan đến ý chí tập thể nhằm phát triển ngành công nghiệp và hệ sinh thái kinh tế thân thiện với môi trường.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng cho rằng các nước cần thay đổi tư duy theo hướng không chỉ khai thác mà còn tái khôi phục thiên nhiên. Nghị viện các nước cũng cần nhận thức rõ hơn về vai trò chiến lược của việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Puan cho hay, về phần mình, Hạ viện Indonesia đã có những hành động thiết thực nhằm hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng việc thúc đẩy phát triển bền vững và nền kinh tế xanh.
Những hành động thực tế này bao gồm đề xuất dự luật năng lượng mới và tái tạo, xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời đáp ứng 25% nhu cầu sử dụng điện của Hạ viện./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị