Huyết áp đột ngột tăng cao làm thế nào để được tiêm vaccine Covid-19?
Huyết áp đột ngột tăng cao làm thế nào để được tiêm vaccine Covid-19?
Nhiều người do đi đường, lo sợ nên khi đến điểm tiêm chủng huyết áp đột ngột tăng cao. Những khi như vậy cần làm gì để huyết áp ổn định, được tiêm vaccine Covid-19?
Huyết áp tăng cao làm gì để được tiêm vaccine Covid-19?
Tiêm vaccine được xem là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên có nhiều trường hợp người dân khi ở nhà huyết áp, tim mạch bình thường nhưng khi đến các điểm tiêm chủng thì huyết áp tăng cao vì thế việc tiêm vaccine bị đình chỉ. Vấn đề này đang khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng liệu có được tiêm không và làm thế nào để được tiêm lại?
Giải đáp vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Quang Hòa – Chuyên gia Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Trong quá trình tiêm chủng, rất nhiều người đi tiêm gặp tình trạng như vậy, kể cả ở người trẻ.
Khi ở nhà thì huyết áp ổn định, đến điểm tiêm thì huyết áp tăng vù vù, phải mất thời gian chờ đợi đo lại huyết áp. Không ít người cả buổi sáng không xuống, khi về nhà, chiều quay lại đo huyết áp lại đủ điều kiện để tiêm phòng”.
Nhiều trường hợp tăng huyết áp đột ngột khi đến điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 (Ảnh minh họa)
Hiện tượng này chủ yếu là do tâm lý người đi tiêm lo lắng, người có hội chứng áo choàng trắng, cứ nhìn thấy bác sĩ, kim tiêm là căng thẳng, huyết áp tăng vù vù.
Để hạn chế tình huống này, mọi người cần lưu ý:
Đọc kỹ các tác dụng của vaccine, tác dụng phụ và hiểu đúng về nó để không dẫn đến những lo lắng quá mức cũng khiến huyết áp tăng.
Không nghe những thông tin không chính thống, lo sợ thái quá tác dụng phụ của vaccine.
Trước ngày đi tiêm nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ. Buổi sáng trước khi đi tiêm ăn uống bình thường, không uống bia rượu, chất kích thích, không bỏ bữa.
Uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày nếu đang điều trị cao huyết áp.
Đến điểm tiêm ngồi nghỉ ngơi một chút, theo hướng dẫn của nhân viên y tế vào khám sàng lọc.
Tâm lý người đi tiêm rất quan trọng. Hãy nghĩ đơn giản như những lần chúng ta tiêm vaccine cúm, các loại vaccine khác, không quá lo lắng, hồi hộp.
Những mẹo trên sẽ giúp người đi tiêm, ổn định tâm lý. Trong trường hợp huyết áp vẫn cao, bác sĩ có thể xử lý tình huống để huyết áp hạ, đủ điều kiện sẽ được tiêm phòng.
Huyết áp bao nhiêu có thể tiêm được vacine Covid-19?
Nhiều người ở nhà đo huyết áp bình thương nhưng đến địa điểm tiêm vacine phòng COVID-19 thì lại tăng cao đã được giải thích ở trên. Vậy huyết áp bao nhiêu thì có thể tiêm vaccine Covid-19?
Trả lời cho câu hỏi trên, Bác sĩ Bùi Văn Thường – Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện tại, không có khuyến cáo huyết áp bao nhiêu có thể tiêm vaccine phòng COVID-19. Không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).
Mọi người cần lưu ý, khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vaccine) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine. Các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.
Người cao huyết áp sau tiêm phòng vẫn cần thực hiện theo dõi sức khỏe như hướng dẫn, tiếp tục duy trì uống thuốc huyết áp mỗi ngày theo đơn thuốc cũ, tuyệt đối không bỏ thuốc.
Thống kê trên hệ thống tiêm chủng quốc gia cho thấy, trong ngày 25/8 có 430.924 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.522.203 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.382.658 liều, tiêm mũi 2 là 2.139.545 liều.
Mới đây Việt Nam đã tiếp nhận 770.000 liều vắc xin Pfizer trong tổng số khoảng 1 triệu liều do phía Mỹ tặng. Số vắc xin 270.000 liều còn lại dự kiến sẽ được chuyển đến Việt Nam vào ngày 27/8/2021.
Bộ Y tế cũng cho hay, hiện bộ đã triển khai phân bổ 1.209.400 liều vắc xin AstraZeneca (đợt 23) do VNVC mua, phân bổ 500.800 liều vắc xin AstraZeneca (đợt 24) do phía Ba Lan tài trợ, phân bổ 300.000 liều vắc xin AstraZeneca (đợt 25) do phía Rumania tài trợ và phân bổ 10.000 liều vắc xin Sputnik V do phía Liên bang Nga tài trợ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ