Công văn Phúc đáp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hồ sơ của thương binh Nguyễn Văn Dũng gửi đến tòa soạn
Trong đơn thương binh Nguyễn Văn Dũng có viết: “Là thương binh mất sức tới 61%, nhưng tôi vẫn tự cố gắng vươn lên, vượt lên chính mình. Từ năm 1993, tôi đã kinh doanh tại Nhà hàng Thiên Phước, trong quá trình kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước. Từ ngày đường Phạm Văn Đồng được mở rộng và lượng khách du lịch đến Nha Trang ngày càng đông nên với quy mô nhà hàng hiện tại không thể đáp ứng. Để nâng cấp nhà hàng đồng thời cải tạo cảnh quan phù hợp quy hoạch Vịnh Nha Trang, ngày 05/10/2007, DNTN Văn Dũng đã làm Đơn xin thuê đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 18/10/2007, Q.Giám đốc Sở TNMT Lê Mộng Điệp đã ký văn bản số 1634/STNMT-QH V/v: Trả lại hồ sơ xin thuê đất để lập dự án đầu tư kinh doanh khu Dịch vụ Du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước.
Thực hiện theo sự hướng dẫn của lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Khánh Hòa, năm 2009, DNTN Văn Dũng đã hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận địa điểm đầu tư Dự án khu dịch vụ du lịch sinh thái Lữ quán Thiên Phước gửi Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở chức năng thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Trong khi Doanh nghiệp đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt thì Ngày 27/5/2015, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000627 cho dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước với diện tích 1.376m2 mặt đất và 3.186m2 mặt nước.
Thông qua Giấy chứng nhận này, chúng tôi hiểu rằng, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã cắt toàn bộ những công trình phục vụ mà công ty đang hoạt động, như: đường thoát hiểm, bãi để xe cho nhân viên và khách, vườn rau sạch, bè giữ hàng hải sản sống (đây là những công trình thế mạnh sở trường của công ty), thật khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Công ty chúng tôi.
Không biết căn cứ vào quy định nào của pháp luật mà tỉnh lại có cách hành xử như vậy? Trong khi mảnh đất do tôi khai thác từ lúc ban đầu, bỏ công sức và tiền của ra cải tạo và đang sử dụng không có tranh chấp với ai. Và thậm chí Công ty chưa nhận được bất kỳ một thông báo nào của cơ quan chức năng, vậy mà lại đem cấp cho đối tượng khác (Công ty Đông Dương).
Trước tình hình đó, buộc tôi phải làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều lần phát biểu ý kiến tại “Hội Nghị Gỡ rối khó khăn cho Doanh Nghiệp”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp về giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước về ranh giới dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang; Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh vào hồi 08h ngày 15/6/2018 đại diện Sở KHĐT, Sở TNMT, UBND phường Vĩnh Hòa và Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước (Nhà đầu tư) đã tổ chức cuộc họp.
Biên bản cuộc họp ngày 15/6/2018 có nội dung như sau:
“Ý kiến của Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước:
Năm 2009, Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước đã lập hồ sơ thỏa thuận địa điểm đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước với diện tích khoảng 15.380,1m2; trong đó 11.346,5m2mặt nước và 4.003,6m2 mặt đất.
Tuy nhiên đến năm 2011, UBND tỉnh đã thỏa thuận địa điểm đầu tư cho dự án Peakock Marina Complex tại Thông báo số 263/TB-UBND ngày 08/8/2011, chồng lấn ranh giới với dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước đã được Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước nộp hồ sơ xin thỏa thuận địa điểm trước vào năm 2009.
Ngày 27/5/2015, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000627 cho dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước với diện tích 1.376m2 mặt đất và 3.186m2 mặt nước.
Ý kiến nhà đầu tư: Công ty đã đầu tư kè chắn song cao 8-10m, dài 130m, đổ đất và hơn 500m3 đá chắn chân kè theo ranh giới tại Bản đồ trích đo địa chính khu đất được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa lập ngày 22/06/2007, phần diện tích đổ đất làm bờ kè là 1.506,9m2 .
Phần diện tích đã được cấp GCNĐT cho dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước không bao gồm phần diện tích đã được Nhà đầu tư làm kè chắn sóng và đổ đất.
Hiện trạng theo GCNĐT được cấp 2015 thì ranh giới diện tích dự án không có phần đường đi đấu nối từ đường Phạm Văn Đồng xuống nhà hàng, cắt 1/3 khu vực sàn nhà hàng đang kinh doanh du lịch dịch vụ và ½ diện tích hiện tại Công ty đang nuôi hải sản ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đầu tư xây dựng của Công ty.
Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành xem xét cho Công ty lập dự án theo ranh giới đã lập hồ sơ xin thỏa thuận địa điểm vào năm 2009.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Người đại diện theo pháp luật của Công ty là đối tượng thương binh 2/4 chưa được hưởng chính sách ưu đãi cho người có công đối với việc xem xét thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái – Lữ quán Thiên Phước.
Ý kiến của Sở kế hoạch và Đầu tư:
Sở kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến đề xuất của Nhà đầu tư. Sở sẽ tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh về các kiến nghị của Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước.
Biên bản được đọc lại cho tất cả các thành viên dự họp cùng nghe và nhất trí ký tên. Buổi họp kết thúc lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày”.
Mặc dù sự việc đã rõ ràng, song không hiểu vì sao đến lúc này Công ty TNHH DV DL sinh thái Thiên Phước vẫn không được thuê địa điểm (mặt đất, mặt nước) mà do chính bản thân mình khai phá, đầu tư công sức, tiền của và hiện đang khai thác sử dụng vào kinh doanh…
Là thương binh Trường Sa 2/4, vượt lên chính mình, làm giàu chính đáng, tham gia tích cực công tác xã hội, giải quyết việc làm cho con em đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm vào dịp 14/3, Công ty đều tổ chức cho các chiến sĩ, thương binh và gia đình liệt sĩ từng tham gia chiến đấu trong trận thủy chiến Gạc Ma (Trường Sa) trên mọi miền đất nước về họp mặt, thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội đã hy sinh, và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ Gạc Ma Trường Sa, giúp nhau làm kinh tế gia đình khi về đời thường. Song đến nay, vấn đề an cư lập nghiệp của tôi và Công ty vẫn chỉ là lời hứa trên giấy và chờ đợi. Trong khi đó tại khoản 4, Điều 20 (Các chế độ ưu đãi đối với thương binh), Pháp lệnh Ưu đãi Người có công năm 2005 đã quy định: “4. Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế, miễn nghĩa vụ lao động công ích theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước và địa phương.”. Và ngay tại tiết h, khoản 2, Điều 5 (Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của , người có công với cách mạng) Pháp lệnh Ưu đãi Người có công năm 2020 cũng quy định: “h) Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;”.
Chính sự chậm trễ trong việc chưa được thỏa thuận địa điểm đầu tư nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, như không yên tâm bỏ vốn vào đầu tư cơ sở vật chất cho xứng tầm với uy tín và thương hiệu mà Công ty đã gây dựng bao năm nay. Do đó, cơ sở vật chất phát triển chậm, tự phát, tạm bợ, qua mùa gió bão lại phải sửa chữa hầu như từ đầu, không có ranh giới nên công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Không được vay vốn Ngân hàng để mở rộng đầu tư, không được khấu trừ chi phí thuế. Nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn phải hoạt động trong thế phập phồng lo sợ về mọi mặt liên quan đến quyền sử dụng đất (dựng bảng quảng cáo, cam kết bảo vệ vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, giấy phép con mua bán rượu và thuốc lá …) hoàn toàn không được duyệt vì thiếu thủ tục. Gây rất phiền hà và khó giải trình khi có các cơ quan thẩm quyền đến kiểm tra. Trong thương trường doanh nghiệp luôn định hướng đến mục tiêu phát triển, sao cho ngang tầm với doanh nghiệp bạn, hội nhập theo hướng phát triển của Tỉnh nhà, vừa lòng và an toàn với những thực khách khó tính.
Nguyện vọng của tôi mong muốn được mở rộng kinh doanh trên mảnh đất của mình qua bao nhiêu năm cải tạo, hợp với dự án mà tôi đã trình lên các cấp từ năm 2006, mà tôi hằng chờ đợi bao năm qua. Mong các cấp có thẩm quyền giúp đỡ tôi và Công ty.”.
Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, ngày 10/06/2022, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã có Công văn số 30/2022/CV-ĐTHN và 31/2022/CV-ĐTHN chuyển đơn (kèm theo hồ sơ) của thương binh Nguyễn Văn Dũng đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Vừa qua, thông qua thương binh Nguyễn Văn Dũng, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được Công văn số 305/HĐND-VP ngày 15/8/2022 của Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa V/v trả lời phản ánh của Tạp chí điện tử hòa nhập.
Công văn số 305/HĐND-VP của Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa
Công văn số 305/HĐND-VP có nội dung như sau: “Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp nhận Công văn số 30/2022/CV-ĐTHN ngày 10/6/2022 của Tạp chí điện tử Hòa nhập thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam về việc chuyển đơn thư bạn đọc liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch sinh thái Thiên Phước (đính kèm văn bản).
Qua nghiên cứu hồ sơ, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy, ngày 13/7/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 6451/UBND-XDNĐ về việc phản ánh của Tạp chí điện tử hòa nhập liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch sinh thái Thiên Phước tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, theo đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư “có văn bản trả lời cho Tạp chí điện tử hòa nhập được biết theo đúng quy định. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 05/08 /2022”. Tuy nhiên, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản trả lời Tạp chí Điện tử hòa nhập.”.
Tạp chí điện tử Hòa Nhập cảm ơn Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời đồng hành cùng Tạp chí thụ lý hồ sơ, thông báo sớm để Tạp chí có điều kiện trả lời bạn đọc./.
Nguồn: hoanhap.vn