Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm
(Xây dựng) – Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội là công trình lớn nhất về quy mô cũng như vốn đầu tư tại thành phố Sầm Sơn từ trước đến nay. Để triển khai toàn bộ các hạng mục của dự án này, thành phố Sầm Sơn phải giải phóng mặt bằng 400,11ha đất, cùng 2 bến thuyền và hàng loạt các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Tại dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, người dân trong diện giải phóng mặt bằng nhường đất để xây dựng các hạng mục không phải đến các khu tái định cư xa trung tâm mà được bố trí nơi ở mới ngay tại các mặt bằng sát dự án. |
Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn và các dự án đối ứng được triển khai trên tổng diện tích 400,11ha, tổng vốn đầu tư lên tới gần 25.000 tỷ đồng – vượt ngưỡng 1 tỷ USD, do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 4/2021, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng các hạng mục chính sau hai năm xây dựng. Riêng quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội có diện tích 15 ha, triển khai theo hình thức BT, với tổng vốn đầu tư gần 1.456 tỷ đồng. Ngoài ra, khu công viên vui chơi giải trí và đô thị Nam sông Mã có quy mô 130ha được phát triển như những công viên tại các thành phố du lịch nổi tiếng khác trên thế giới.
Triển khai đại dự án này chính là bước đi quan trọng của tỉnh Thanh Hóa trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Sầm Sơn trở thành trung tâm kinh tế động lực, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây cũng là kết quả thu hút đầu tư dự án lớn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, tạo nền tảng vững chắc để sớm đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của cả nước.
Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, toàn thành phố có 5 phường ảnh hưởng bởi dự án Quảng trường biển và các dự án đối ứng, bao gồm: Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn và Trường Sơn. Để triển khai toàn bộ các hạng mục của dự án này, thành phố Sầm Sơn phải giải phóng mặt bằng 400,11ha đất với7.481 hộ dân, trong đó, đất ở 41,04ha (1.985 hộ); đất nông nghiệp và đất khác 359,07ha (5.496 hộ); di chuyển 3 nhà văn hóa khu phố; 2 bến thuyền với khoảng 300 phương tiện đánh bắt thuộc phường Trung Sơn và phường Quảng Châu; 1 bãi rác Trung Sơn (270.000m3); 4 nghĩa địa (5.000 mộ) và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Sự khác biệt của dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn so với nhiều dự án khác ở chỗ, người dân trong diện giải phóng mặt bằng nhường đất để xây dựng các hạng mục không phải đến các khu tái định cư xa trung tâm mà được bố trí nơi ở mới ngay tại các mặt bằng sát dự án. Đó chính là các dự án đối ứng khu đô thị quảng trường biển và Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ, được định hướng trở thành những khu dịch vụ thương mại với những dãy phố sầm uất gắn liền với sự phát triển chung của thành phố.
Giải phóng mặt bằng đại công trình trên là nhiệm vụ khó khăn, bởi phụ thuộc vào chính sách pháp luật về đất đai, cơ chế, chính sách trong bồi thường giải phóng mặt bằng; bị chi phối bởi nhiều yếu tố về giá đất biến động khó lường trên thị trường, giá cả nhiên, nguyên, vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nên thời gian qua, thành phố Sầm Sơn đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Với sự quyết liệt, nỗ lực, nên kết quả giải phóng mặt bằng của thành phố Sầm Sơn đã có những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 9/2022, thành phố đã đo đạc, giải phóng mặt bằng 302,47/400,11ha. Trong đó, đất ở là 29,42ha/1.512 hộ; đất nông nghiệp và đất khác là 273,05ha/4.616 hộ. Thành phố cơ bản đã đảm bảo mặt bằng cho chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công, thực hiện dự án.
Bà N. T. Q, phường Bắc Sơn cho biết: Nhận được chủ chương của thành phố, gia đình phải giải phóng mặt bằng cho dự án Khu đô thị quảng trường biển, đang kinh doanh ổn định, nay phải di dời đi nơi khác quả là rất khó khăn cho gia đình. Sau đó, được lãnh đạo UBND thành phố, Hội đồng giải phóng mặt bằng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, nên gia đình đã chấp nhận kinh phí bồi thường và bàn giao đất để thực hiện các dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Phó Chủ tịch thành phố Sầm Sơn Nguyễn Ngọc Bích cho hay: “Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Sầm Sơn là công khai, minh bạch, rõ ràng, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân. Hộ nào chưa hiểu thì kiên trì vận động, giải thích cho từng cá nhân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước, pháp luật. Một số vấn đề do bất cập của cơ chế, quy định của luật vượt thẩm quyền thì thành phố Sầm Sơn đề xuất, kiến nghị lên cấp trên. Chẳng hạn như việc chính quyền thành phố kiến nghị và được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số 4433/UBND-KTTC ngày 4/4/2022 về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án Khu đô thị và công viên vui chơi, giải trí Nam sông Mã và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng sông Đơ”.
“Trong trường hợp người dân khiếu nại, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn sẽ xem xét toàn diện, khách quan và ban hành quyết định giải quyết. Người dân không đồng ý thì gửi đơn lên UBND tỉnh Thanh Hóa hoặc được hướng dẫn khởi kiện ra tòa án và người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”, ông Bích cho biết thêm.
Nguồn: Báo xây dựng