Đắk Nông: Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực y tế cơ sở
Đắk Nông: Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực y tế cơ sở
UBND tỉnh Đắk Nông vừa có kế hoạch số 571/KH-UBND về việc, nâng cao năng lực y tế cơ sở trong tình hình mới gắn liền với phát triển công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Với quan điểm “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các ngành trong đó ngành Y tế là nòng cốt”. Trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong khi y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú có xu hướng giảm tại trạm y tế. Y tế cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý bệnh nhất là các bệnh mãn tính, các phần mềm còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.
Việc triển khai công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại tuyến y tế cơ sở sẽ khắc phục được một số tồn tại, hạn chế bởi việc phát triển bác sĩ gia đình gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng ngay từ tuyến cơ sở, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả, giúp sàng lọc bệnh tất, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện các tuyến.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 70% đơn vị tuyến huyện thực hiện được trên 70% danh mục theo phân tuyến. 100% tuyến xã tiếp tục duy trì điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu. 100% tuyến xã thực hiện được trên 70% danh mục kĩ thuật.
Duy trì 100% xã, phường thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Phấn đấu đạt 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. 100% Trạm y tế xã có bác sĩ và tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. 100% cán bộ y tế xã, y tế thôn, bon được tập huấn, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức chuyên môn về truyền thống giáo dục sức khỏe trực tiếp tại cộng đồng. 100% Trạm y tế xã phường thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. 30% cán bộ được đào tạo lâm sàng.
Tiếp tục thực hiện mô hình TTYT huyện, thành phố đa chức năng thuộc Sở Y tế, trong đó tiếp tục ra soát, đánh giá mô hình nêu trên để đầu tư cho phù hợp theo hướng nâng cấp, mở rộng cơ sở, bổ sung trang thiết bị cho TTYT các huyện, thành phố đa chức năng thực hiện đúng chức năng theo quy định. Các TTYT huyện, thành phố đa chức năng tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động giữa các tuyến.
Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mãn tính, khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên. Đồng thời thực hiện tin học hóa, quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân để tiện theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn, xây dựng và triển khai bệnh án điện tử, quản lý hoạt động phòng khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Tiến hành đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế thực hiện nhiệm vụ y học gia đình, tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn cao, đặc biệt là các bác sĩ tại các TTYT huyện, xã nhằm đảm bảo nhân lực cho việc khám chữa bệnh cho nhân dân ngay trên địa bàn.
Đào tạo nguồn nhân lực y tế, chú trọng đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình cho y tế xã, tổ chức đào tạo tập huấn về công nghệ thông tin cho y tế cơ sở, cập nhật, số hóa dữ liệu ngành y tế đáp ứng công tác khám chữa bệnh trong thời đại 4.0 tăng cường đào tạo nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản cho các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tổ chức thực hiện luân phiên hai chiều cán bộ chuyên môn phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử của đội ngũ y tế đối với người bệnh, đào tạo, tập huấn kĩ năng cung cấp thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe, kỹ năng tư vấn cho toàn thể đội ngũ cán bộ y tế các tuyến.
Tăng cường công tác truyền thông, vận động, quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân ở tuyến y tế cơ sở, gắn với các mục tiêu nhiệm vụ và các hoạt động của y tế cơ sở với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành và địa phương. Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động truyền thông giáo dục, lồng ghép đưa các nội dung, thông điệp truyền thông, giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân, những lợi ích thiết thực của mô hình bác sĩ gia đình tại cộng đồng.
Đầu tư thiết bị truyền thông cơ bản cho phòng truyền thông, góc truyền thông của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã và cho các đội truyền thông lưu động ở những vùng khó khăn, thí điểm các mô hình câu lạc bộ truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm tận dụng, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội các cấp.
Triển khai mạnh về công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo phân tuyến về chuyên môn kỹ thuật, chú trọng các kỹ thuật phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và sử dụng cây, con làm thuốc tại địa phương. Triển khai các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại tạo các tuyến y tế cơ sở, hướng dẫn nuôi trồng, sử dụng thuốc nam, thuốc y học cổ truyền.
Tập huấn, sử dụng phần mềm cho Trạm trưởng và chuyên trách TYT xã, tập huấn sử dụng phần mềm trên hệ thống Smartphone hoặc hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại hộ gia đình và thực hiện ghép dữ liệu dân số, đồng thời cập nhật thông tin cơ bản của người dân, thông tin chung, thông tin thẻ BHYT, thông tin quan hệ gia đình, thông tin liên hệ trên toàn tỉnh vào hệ thống thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân trên đại bàn quản lý đạt 100%.
Lộ trình thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử năm 2022 là 25%, năm 2023 là 50%, năm 2024 là 75%, năm 2025 là 95% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử (HER), được cập nhật tin sức khỏe thường xuyên, từng bước tích hợp dữ liệu về trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh và kết nối với Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia. Thực hiện gắn mã định danh y tế cho người dân theo quyết định của Bộ y tế, đảm bảo mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế trên cơ sở mã số bảo hiểm xã hội và một số thông tin hành chính của người dân.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị- xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị